Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Hạnh ngộ với "Thơ nữ Bạc Liêu"


alt
                                                    (Hình trên mạng)
 

HẠNH NGỘ VỚI “THƠ NỮ BẠC LIÊU"

 Với tôi, “Thơ nữ Bạc Liêu” (TNBL) là của…hiếm. Tận miền Trung xa lắc nầy dễ gì có  TNBL? Tôi có được là nhờ một người chị bạn thân tình gởi tặng. Khởi hành từ “phút giao mùa” của Ngọc Yến (NY), qua “phố cũ” của Tú Nhã (TN) để gặp “người phương Nam” (*) của Mỹ Huyền (MH) mà nghiền ngẫm, suy tư bởi cái thật thà rung cảm của ba đồng tác giả của TNBL .
    Tập thơ nho nhỏ với 52 bài thơ mang đậm…chất phụ nữ dịu dàng dễ xúc động lòng người: “Cuộc sống vội vàng ta khe khẽ viết / Những câu thơ cũng khe khẽ dịu dàng / Chút khe khẽ bao dung rồi cũng hết / Và một ngày khe khẽ bỏ nhân gian” (NY – Khe khẽ). Thật tuyệt, mà cũng thật lạ lẫm - Ba khổ thơ tám chân với mười hai câu ; Hai từ khe khẽ được NY thể hiện bằng lối chơi điệp tự nhuần  nhuyễn không ngờ. Mỗi câu thơ là hai từ “khe khẻ” thành hai mươi bốn từ khe khẽ gói trong một bài thơ nhỏ mà không lộn nghĩa nhau…khe khẽ, nhẹ nhàng như tiếng thỏ thẻ…rất ngọt ngào của NY càng làm cho bài thơ có sức hấp dẫn đầy tính nghệ thuật: “Anh khe khẽ chạm môi em dịu ngọt / Trái tim mình khe khẽ điệu ngân vang / Đất trời cũng khe khẽ hoà làm một /Ta cùng em khe khẽ hoá Thiên thần” (NY – Khe khẽ). Thật thi thoảng lắm mới gặp một bài thơ tình hay và sâu thẳm ý như “Khe khẻ” của NY. “Ta cùng em khe khẻ hoá thiên thần” để rồi cũng chính NY thở than: “Em đừng đợi nữa / Sương tan / Hoa không còn lấp lánh / Vàng sắc xuân /…Nỡ đâu se lạnh / Mong manh vai người.” (NY - Đừng) Cái không khí trong thơ NY có khói sương buồn, nuối tiếc đến quay quắt kỷ niệm, tình yêu: “Tình yêu đầu tiên em biết /Sao đầy cay đắng xót xa / Người ơi! Mối tình tha thiết / Vùi theo năm tháng phôi pha.” (NY – Phôi pha) Có phải vì “vùi theo năm tháng phôi pha” đó mà trong thơ NY u trầm? Ở chị luôn như ray rức, tiếc nuối cái đã qua đi mà trong đó cái tình luôn ám ảnh, vi vu…chị trau chuốt ngôn ngữ như người phụ nữ rành trang điểm làm cho thơ  có nhạc tiết du dương, êm ái, có nét đài các riêng. Đó là “phút giao mùa” với hai mươi bài thơ của NY.
  Rời NY. Tôi theo Tú Nhã vào “phố cũ” với chị: “Tôi về qua phố cũ / Tình cờ gặp người xưa / Mắt buồn câu hẹn ước / Chưa nguôi chuyện ngày xưa.” (TN- Phố cũ) “Mắt buồn câu hẹn ước”…vậy là quá buồn - Buồn và nhớ nữa cho nên đến giờ vẫn “chưa nguôi chuyện ngày xưa” Hóa ra ai rồi cũng thế - Không có tình yêu dang dở nào mà không buồn? Tình là vậy. Tình cho người ta hạnh phúc nhưng cũng làm đau khổ người ta. Tôi nhớ Hàn Mặc Tử cũng vì tình mà “thét” lên vần thơ bất hủ: “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi / Bao giờ tôi biết được yêu vì / Bao giờ nhật nguyệt tan thành máu / Và khối lòng tôi cứng tự si.” TN và ai rồi với tình, khổ vì tình rồi cũng thế thôi. Thậm chí, đi xa. Đứng trước biển mênh mông chị vẫn quay về cái khoảng lòng nhỏ bé ăm ắp hoài niệm, nhớ nhung: “Em một mình ngồi đây nghe biển hát / Biển Nha Trang! Ơi biển của quê hương / Của em, anh và cả tình yêu nữa / Dù đã xa xôi một giấc mộng thường…” (TN - Trước biển). Hình như thơ TN hướng về ngoại cảnh, thiên nhiên để “tỏ” cái buồn, còn NY quay về nội tâm để đánh thức kỷ niệm? Mỗi tâm trạng của TNBL có nét riêng qua thơ của họ. TN có cái chân quê, mộc mạc rất…dân ca: “Nồi canh rau nấu tập tàng /Mùi thơm xanh mát lòng càng thêm ưa /…Tiếng ai hát “Lý chim quyên” / Ngoài kia nhánh ớt chim chuyền líu lo.” (TN –Duyên quê). “Phố cũ” của TN với mười sáu bài thơ. Tuy bình dị nhưng thật thà, “Phố cũ” không hiện đại ngôn ngữ, không trau chuốt, sắc sảo mà cuốn hút đằm thắm như một thiếu phụ duyên dáng đáng yêu.
  Cũng từ TNBL. Tôi biết thêm về miền Tây Nam Bộ - Hay Bạc Liêu qua thơ Mỹ Huyền: “Cầu Quay, quay tự bao giờ / Ta còn bé…hình như chưa ra đời”. Hoặc: “Phố Hoa nhớ đường lá còng / Lầu Công Tử đứng rêu phong nỗi buồn” (MH - Cầu Quay) Thơ MH viết nhiều về quê hương của chị, về ước mơ, về thời thơ ấu: “Biết bao giờ ta trở lại vườn xưa / Mùa xanh mướt chim chuyền cao giọng hót / Ta đã nhóm bếp lửa hồng ấm áp / Khói lam chiều bay toả những ước mơ” (MH - Trở lại mùa hoa). Thơ MH trung thực, đơn giản như chính cái “bản chất” người phương Nam trong chị: “Người phương Nam mạnh mẽ và bộc trực / Lời bóng bẩy vốn chẳng quen nghe / Người  phương Nam đã mời là mời thật / Rủ rê ai xứ khác rể dâu về.” (MH - Người phương Nam) Đó là người, chứ với thơ thì MH cũng lãng đãng đấy chứ? Bởi nếu không thì MH sẽ không yêu thơ và làm thơ được đâu. Đã là khách thơ, ai mà chẳng một lần mơ mộng nhỉ? Cũng như TN, MH góp vào TNBL mười sáu bài thơ. Đọc MH ta được biết thêm về Bạc Liêu. Đó là nét riêng của mỗi tác giả trong TNBL.
         Chừng mươi năm trở lại đây. Nhiều tuyển tập thơ chung và các nhà xuất bản trong cả nước đã giới thiệu nhiều khuôn mặt thơ nữ ba miền khá ấn tượng. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi có được TNBL giới thiệu ba thơ nữ của Bạc Liêu. Với chị NY tôi may mắn được đọc chị nhiều trên website qua blog ngocyen.vn.weblogs.com. Blog của NY là một trong những trang thơ hấp dẫn, mang tính văn học nghệ thuật thú vị. Thơ nữ miền Tây Nam Bộ còn rất khiêm nhường trong nền thơ chung của đất nước.  TNBL giúp bạn đọc biết thêm về thơ nữ của vùng đồng bằng trù phú nhất Việt Nam.
                                                                       HUYỀN MAI HUYỀN
                                                                   Quảng Ngãi cuối năm 2010

       (*) Tập “Thơ nữ Bạc Liêu gồm ba tác giả:
        Ngọc Yến, Tú Nhã, Mỹ Huyền
        Nxb Hội Nhà Văn - 2009
       (Bài đã đăng trên tạp chí văn học nghệ thuật
         tỉnh Bạc Liêu số xuân 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét