(Hình trên mạng)
"CHÚT RIÊNG GỞI LẠI” CHO…mình
Những ngày bận rộn. Tôi phải thức rất khuya với hợp tuyển thơ toàn quốc trên 200 tác giả - CHÚT RIÊNG GỞI LẠI (2) (CRGL 2) – Hay thức với “Nàng Thơ” thì cũng thế - Vì tôi nhận ra rằng đó là khoảng lặng bình yên - Một sự yên bình diễm tuyệt với…THƠ. Trong cuộc đời, hay trong tâm hồn thi sĩ đôi khi có những “chứng tích” khó mờ phai – Đó là những chứng tích của rung cảm, của tình yêu, của đau khổ. CRGL…ghi dấu nhiều những chứng tích đó qua ngôn ngữ của thi ca:
“Những vì sao khuya cô độc
Đêm đêm rưng lệ nguyện cầu
Lòng tôi không muốn khóc
Nước mắt có gì đâu?!”
(Hoàng Trúc Ly - Chứng tích)
Đó. CRGL là thế. Một chút thôi -
Nhưng thanh quí vô cùng. Bởi nó là tình, bởi nó là tâm, bởi nó là mộng
mơ, là trăn trở, là trí tuệ, là tiếng vọng ĐẸP của linh hồn. “Người ta có thể làm ra vẻ sang trọng; Nhưng người ta không thể làm ra vẻ có trí thức. Người ta phải có, và không phải ai muốn cũng được.”
Sacha Guitry nói câu nầy…với THƠ ngẫm mà đúng quá! Bởi không phải ai
biết làm thơ thì cũng là “nhà thơ”, là thi sĩ được hết - Nếu như
người đó thiếu mất cái chút “trí thức” của văn
học nghệ thuật. Hoàng Trúc Ly nói “lòng tôi không muốn khóc” và “tôi”
cũng không muốn ai khóc cả. Thơ là thế: Mặc ai hững hờ, mặc ai ghen tị,
mặc ai có tà tâm, ác ý đầu độc “nó”, nó vẫn ung dung. Bởi nó là... THƠ:
“Cứ mãi đi tìm giữa mênh mông
Dẫu cho hương sắc lấm bụi hồng
Trộn vào những vần thơ đã viết
Gởi tặng cho em thanh thản lòng”
(Hoài Nam - Giữa dòng đời)
Đừng nhẫn tâm, võ đoán với thơ vì nó là…thơ, mà hãy tặng cho thơ
những đoá hồng. Sẽ chẳng còn gì nếu ai đó đem thơ dằm xé dã man. Và, hãy
tặng cho tình yêu những câu thơ – Vì tâm hồn người ta sẽ bị ức chế, dồn
nén khi nỗi niềm không có dòng thương cho linh hồn tuôn chảy. Nghệ sĩ
thiên tài Trịnh Công Sơn không từng nói đó sao? Ông khuyên “Sống trên đời cần có một tấm lòng”. Hà cớ gì ta lại…ghét nhau chi?:
“Vắt tay lên trán
Nghĩ đời
Nghe trong sâu thẳm
Vạn lời xót thương.
Ra đường
Chạm những sầu vương
Nguyện cầu Chúa, Phật
Đoái thương kiếp người.”
(Nguyên Thanh – Không đề)
Ôi ! Nếu không có thơ thì Nguyên Thanh thi sĩ biết lấy gì để nói lên
như thế? Và, có thể ông đã nói thay cho bao người cũng muốn nói như ông?
“CRGL” của mỗi người
trong thi tập nầy không phải vàng, không phải trân châu, mã não. Nhưng nó là kết
tinh, từ rung cảm từ tâm linh, và hình thành bằng trí tuệ, bằng tấm
lòng của mỗi tác giả đấy: Cho nên nó có sức loan toả và tồn tại..Nó làm
xúc động và cảm hoá được lòng người – Chỉ vì nó là THƠ . Nó vô giá nếu
ai “biết” nó. Với ai có hiền tâm, nhân ái thì nó đẹp vô cùng. Nguyễn văn Thụ nói không hề cường điệu, khi ông viết:
“Câu thơ chan chứa nồng
Ngọt ngào gió hương đưa
Dưới vòm trời xanh ngát
Bay vào miền tóc sương.”
(Nguyễn văn Thụ - Câu thơ)
Mỗi thi nhân là một vũ trụ cảm xúc trong riêng họ. Tự họ thai nghén
cảm xúc đó và sinh ra những đứa con riêng. Thật là lố bịch, thật là bất
công khi cố tình áp đặt cái thiển cận ngoại cuộc vào…những đứa con tinh
thần kia bằng một “hôn ước” tầm thường. Không ai hiểu đứa con bằng chính
mẹ nó đẻ ra đâu.:
“Con luôn ghi nhớ trong lòng
Lời thơ, tiếng hát ấm nồng mẹ ru
Nhẹ nhàng như gió mùa thu
Câu ca mẹ hát đong đưa giọt buồn.”
(Tân Việt - Mẹ)
Không biết Thằng Bờm trong văn học dân gian có ảnh hưởng gì với Nguyệt Đình khi ông đối diện với “trò đời”? Nhưng thật là đắng khi ông viết bài “Dưới gốc mù u”! Cái “nhăn răng Bờm cười” là…vấn đề cần giải mã chớ không phải phú ông và những món quà muốn đổi kia đâu?:
“Ta ngồi dưới gốc mù u
Thấy vần thơ lạc ù ù chạy vô
Nhìn ta, đứng lại mé hồ
Hỏi rằng ai đó – Đi mô mà ngồi?
Và thi nhân vẫn an nhiên trước cái “ù ù chạy vô”, ông bảo:
“Chốn nầy là gốc làng tôi.
Chờ thơ thì được, chờ xôi thì đừng.”
(Nguyệt Đình - Dưới gốc mù u)
Đọc bài thơ Nguyệt Đình chợt nhớ lại câu chuyện trong báo Tuổi Trẻ
cười của anh Hai Cù Nèo (*) mà tôi xem từ lâu lắm. Chuyện đại khái rằng:
Con chó hỏi con gà: -“ Mầy sinh ra để làm gì?. / Tao sinh ra để gáy mà báo thức cho người ta. /-Sao mầy biết giờ mà báo thức? /- Đó là do bản năng trời cho tao vậy.” Rồi con gà hỏi lại con chó: -“Mầy sinh ra để làm gì? /- Tao sủa giữ nhà cho chủ tao. /- Sao mầy biết mà sủa? /- Tao nằm áp tai xuống đất nên nghe động là tao sủa. /- Trời lạnh mầy chui vào bếp tro ngủ mất làm sao mà nghe?” Chó lưỡng lự rồi trả lời: “Tao nghe chó khác sủa tao …sủa theo.”
Ôi ! Văn học sao mà hay quá thế? Thơ cũng vậy – Thơ hay là vì trong
những con chữ kia nó trắc ẩn nỗi niềm qua bút pháp vi diệu của thi nhân.
Nó hấp dẫn bởi tiết điệu du dương và nó…càng hay với những ai ĐỒNG
ĐIỆU:
“Chia cho em nửa cuộc tình
Nửa đau khổ, nửa đời mình lao đao
Chia em nửa giấc chiêm bao
Nửa trăn trở, nửa xôn xao đợi chờ”
(Uyên Giao – Chia cho em)
Có lẽ Uyên Giao khi “chia cho em” Ông nghĩ chỉ em là người “biết”
nhất để nhận cái mà ông chia cho đó. Ai đó tự nhiên nhảy vào chận ngang
là họ bị hụt hẫng, bộp chộp là cái chắc rồi. Có phải người đồng điệu đâu
mà mơ?! Những câu thơ sẽ lãng xẹc khi lọt vào tay…thằng Bờm. Và có lẽ
Dương Ngọc Khánh…nhiều khi cũng bực dọc cho sự xô bồ của kẻ “ngoại cảm”
nào đó cho nên ông tự thu mình trong khoảng lặng bình yên bên Nàng thơ:
“Mỗi người một khoảng lặng riêng
Ký ức
Tình yêu
Tâm linh
Mơ ước…
Nơi ấy không có tiền tài, danh vọng, bon chen”
(Dương Ngọc Khánh - Khoảng lặng)
Khác với Dương Ngọc Khánh về với khoảng lặng cá thể. Lê phương Châu
lại đến với Thiền, với siêu không, tịnh độ của Phật gia. Hãy nghe bà thể
hiện trong bài “Lục bát chiều đông” quá thanh vi:
“Vi vu én liệng ngàn cây
Cổ nhân tầm hạt vút bay về trời
Nắng chiều hanh thoảng qua đồi
Con người khốn khó rong chơi lạc đường…”
Không Lê phương Châu không lạc tí nào vì bà đã… “ngộ”:
“Không gian mờ tỏ màn sương
Hồi chuông tịnh độ chân phương vô cùng.
Với trời, với đất bao dung
Gieo cùng nhịp thở, hoà chung kiếp người.”
(Lê Phương Châu - Lục bát chiều đông)
Thơ là vậy. Hư mà thực, thực mà hư. Đọc bài thơ nên xem cái “bóng”
phía sau của nó. Không nên áp đặt mù mờ cho thơ là có tội, là không
khách quan đâu. Những “cao thủ” trong làng thơ dùng ngôn ngữ lung linh,
mờ ảo, cữ động như hồn, như phách…nếu ta chỉ có đọc mà không biết nhìn,
nhìn mà không biết nhận, nhận mà không biết suy thì có khác nào ngồi
dưới “gốc mù u” để chờ xôi như Nguyệt Đình kể trên kia ? Đừng ghét thơ.
Nàng Thơ vốn dễ thương. Nàng đem tình đến khắp cùng thiên hạ. Ai yêu
nàng thì nàng đến, ai ghét nàng thì nàng…vô tư. Không tin thì hãy nghe
Thuần Châu nói:
“Thơ thì êm nhẹ, thật và sâu
Trộn óc, pha tim điểm sắc màu
Đủ sức lay lòng trang thục nữ
Dư tài tháo lệ đấng mày râu…”
Và rõ ràng là Nàng Thơ không phân biệt ai cả - Có chăng thì NÀNG chỉ
xa lánh cái trần tục, hổ lốn mà thôi. Thuần Châu kể tiếp về thơ đây:
“Quan , dân, bần, phú…từng han hỏi
Trai, gái, trẻ, già, vẫn nhặt, tâu
Chính khách, trường tình hay chiến địa
Sá chi chút phận lắm vui sầu.”
(Thuần Châu – Thơ)
Thơ là của mọi người. Ai thích thì nó gần, ai yêu thì nó đẹp, ai
ghét thì nó xấu – Chung qui cũng tại mình mà thôi. Tất nhiên nó…hoàn
toàn vô nghĩa với kẻ vô tâm. Một danh sĩ trước tiền chiến đã tuyên bố
rằng:
“ Còn thơ, còn rượu còn xuân mãi
Còn mãi thơ, còn rượu với xuân”
( Tản Đà )
Cả đời Tản Đà đã sống trọn vẹn với thơ. Vị danh sĩ nầy đã đúng. Ngày
nay khách thơ ngày càng đông, nàng thơ ngày càng nhiều người yêu quí.
Quả vậy, nếu không có thơ, thì Hoàng Tháp (HT) trong “cô đơn” đã không
hài hước thế nầy đâu:
“Em ước mơ giàu sang
Lấy chồng già hơn bố
Em ít đi chơi phố
Sợ bạn bè chê bai…”
Rất là thơ chớ có sao đâu? Chúng ta không thể phủ nhận cái "phóng sự"
của HT, Ông đã nhìn thẳng vào sự thật cuộc đời…ê ẩm quá! Đó là những
tác phẩm mang tính hiện thực và trào phúng giá trị cho văn học, cho mô
phạm, cho đạo đức. HT có theo dõi tỉ mỹ và có chứng cứ. Ông viết tiếp:
“Em ở nhà son phấn
Săm lông mày, mi, mắt
Trang điểm cho thật đẹp
Cốt để chồng em vui”
Trong bài thơ Cô đơn, như đã dẫn. HT kết luận bằng một thực tế quá chua xót mà rất THẬT:
“Chồng qua tuổi bảy mươi
Bệnh hiểm nghèo rồi chết
Em trẻ và rất đẹp.
Nhà giàu mà cô đơn.”
(Hoàng Tháp – Cô đơn)
Chắc người ta không “thơ” được như HT nhưng người ta cũng không phủ
nhận ông trước cái tình vật chất dẫy đầy, vật dục, đua đòi quên nhân
cách của một bọn người đang làm…loạn thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Cái giá trị của một tuyển tập là “ai” trong đó, là những tác phẩm
đã thành tác phẩm chưa? Khi đọc nó người ta có…”mệt mỏi” không? Chứ
không phải ở độ dày, ở “thương hiệu”. Tự thân thơ là đã nghệ thuật rồi.
Thiếu nghệ thuật thơ sẽ không tồn tại: trong nghệ thuật đó thì cái hồn
của thơ chính là hơi thở giữ cho bài thơ khỏi... tử, khỏi thành cái xác
chữ bằng thơ. Có lẽ vì thế mà Phan văn Đào đưa ra nhận định xác thực:
“…Thơ khơi muôn ý cứ dâng trào
Thơ dòng tâm sự, lời nhung nhớ
Thơ khúc nhạc tình dạ khát khao”
Và thơ chính là “một cái gì đó” của nhu cầu cuộc sống tinh thần và đòi hỏi nghệ thuật ngôn ngữ cần phải thì mới…thơ được:
“Thơ mãi cùng ai hoà cuộc sống
Thơ hồn thi sĩ ở trên cao…”
(Phan văn Đài – Thơ)
CRGL 2 không thiếu những thi phẩm già dặn, bản lĩnh, không vắng những
khuôn mặt kỳ cựu của thi đàn trước và sau 1975. Bên cạnh đó xuất hiện
nhiều tay thơ tuy mới vào sân nhưng có triển vọng . Người tuyển chọn đã
khéo bố cục cho CRGL hài hoà, có tân, có cựu khiến tuyển tập không “cong
vênh” nội dung và sự hấp dẫn. Bài thơ “Hình và chất” của Nguyễn Thi
Tất Khảm vừa dí dỏm, mà cũng vừa thực tế đấy. Ông viết:
“Thi sĩ như anh đây
Ôm cả trời thi tứ
Cõi không - Đời lữ thứ
Là sơn thuỷ ngao du…”
Làm thi sĩ mà nghèo thi tứ thì…thơ cũng “nghèo” luôn! Cái "made in" chưa chắc là... hàng hiệu? Ông nói:
“Nước rượu là tố chất
Bầu , ống là hình dung
Thiên hạ ít soi mình
Nên trọng bình hơn chất.”
HÌNH VÀ CHẤT là quá rõ ràng. Thơ là thơ – Là cái hồn trong những con
chữ kia, là cái chất trong bình rượu ấy chứ có phải muốn nói sao được
nấy đâu? Và thực chất của thơ là:
“Nó làm nên hạnh phúc
Ý nghĩa thế gian nầy
Bình chỉ là tùng phụ
Tan hợp tựa mây bay.”
(Nguyễn Thi Tất Khảm – Hình và chất)
CRGL 2 là những nỗi lòng, những tâm tình bằng thơ, những vết
son ngôn ngữ thơm hương tình yêu và ngọt ngào nhân ái. Bước mùa đang
chuyển, nhân thế vào xuân. CRGL là món quà tinh thần ý nghĩa cho những
ai có…một tấm lòng.
HUYỀN MAI HUYỀN
Quảng Ngãi Trọng Hạ Tân mão
(*) Hàn Chức Nguyên người Quảng Ngãi
( Chút riêng gởi lại - NXB Thanh Niên 2010 )
Anh viết dài và nhiều quá em đọc mỏi hết cả mắt hi hi ! Thực ra em k có thời gian mấy để xem và học tập nữa . Em học dốt lắm
Trả lờiXóa