Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Tình thơ với... thơ tình

                              scrap with romantic woman
                                        (Hình trên mạng)

“TÌNH THƠ” với…thơ tình
 
TÌNH THƠ”. Tôi ngồi đọc tập bản thảo này trong cái đêm “Ngày Thơ Thế Giới”. Đề thi tập làm tôi xúc động. Bởi thơ là của thi sĩ. Mà tình cũng… không ai yêu bằng thi sĩ. Chỉ có thơ mới thốt lên “rõ giọngt” nhất ngôn ngữ của trái tim thôi. Không biết có đúng thế không ; Nhưng “đi” qua hết tập thơ. Tôi thấy mênh mông sóng tình, bàng bạc khói sương thơ của ba thi sĩ mà trong đó HOÀNG TRÚC LY( H.T.L) và  PHẠM THIÊN THƯ( P.T.T). thì tôi đã có duyên đọc họ trước 1975. còn ĐINH HƯƠNG (ĐH) thì không xa lạ gì trong nền thơ đương đại. Cả ba nhà thơ đều là “khách quí” của thi đàn. Do vậy mà giới thiệu thêm về họ nữa thì hóa ra  mình  đi làm cái việc… không nên làm mất thôi. Cho nên tốt hơn hết là “làm khách đọc” chung dự bữa tiệc “tình thơ” với họ cũng là “duyên” lắm rồi:
                                                         “Đời biết anh kẻ tình si
                                                         Riêng gửi anh niềm chung thủy
                                                         Sao em không hôn anh”?
                                                                             ( H.T.L -  Tự thán)
Ôi! Thật là buồn. mà cũng thật là thất vọng. Ai tưởng làm kẻ tình si là sướng lắm đâu?
Bởi sẽ vô nghĩa nếu như :
                                                        “Sao em không hôn anh”?…
Anh không được hôn: Anh không được yêu- Anh không được yêu nghĩa là anh không có EM. - Mà đời … không có em thì làm gì có tình yêu mà mơ nhỉ? Để rồi H.T.L chất ngất sầu
cao như núi vì cô đơn, ông thốt lên:
                                                        “Cô đơn đỉnh núi gần trời
                                                         Nghiêng vai xin khoác nụ cười áo xanh”
“ nụ cười áo xanh”- hay em áo xanh của H.T.L . thì cũng một thôi. Cái bóng dáng “áo xanh” kia khiến tôi nhớ Tản Đà năm xưa. Thuở còn “ ấu học” đã nặng máu si tình
 cũng vì những giai nhân trong… sách vở mà ông đọc được trong “ấu học”khi còn chập chững trường làng- Phải chăng cũng vì thi sĩ là …Nòi tình?:
                                                        “Đường quê gái đẹp má hồng
                                                          Đua nhau nhìn ngắm anh chàng áo xanh”
                                                                                        (sách ấu học)
Đến nỗi sau này lớn lên, làm thi sĩ. Tản Đà… thất tình thật , bỏ nhà lên núi ở. Làm thơ mà tế nàng  Chiêu Quân. ở tận bên Tàu trong cổ sử.
     Hình như thi sĩ H.T.L “nặng tình” với người đẹp. sân khấu, màn nhung và ánh đèn màu? Người thơ nào mà không thích âm nhạc? Chẳng mê mỹ nhân?- Nếu như hai cái đó cấu thành một kỳ nữ nữa thì… càng mê nữa… Nhưng mê cho mấy rồi H.T.L cũng… sầu tuyệt vọng. Ông năn nỉ với… tình:
                                                         “Xin rủ tóc dài lên gối trắng
                                                          Người yêu nằm mộng thấy tôi về.
                                                          Xin gọi tên tôi dù xa vắng”
                                                                                       ( H.T.L. Tuyệt bút)
Hay:
                                                         “Đời lên mấy vạn lần nhan sắc
                                                          Đau đớn vô cùng đêm biệt ly
                                                                                      ( H.T.L- Tuyệt Bút)
Thơ H.T.L có phong cách tự tình “ nghiêng về  cổ điển”
Ý thơ như “bực” ra từ trái tim đắm đuối si mê. Ở cái thời của ông với sự thịnh hành của “nhạc vàng”thì những vần thơ đó thật là lâm ly.

          Cũng “trong một tiếng tơ đồng”. Nhưng cung bậc của PTT khác hơn, réo rắc hơn. Chẳng thế mà nhạc sĩ bậc thầy Phạm Duy đã phổ thơ PTT thành những bản nhạc bất hủ như bài Ngày xưa Hoàng Thị ;Đưa em tìm động hoa vàng.PTT cũng yêu, cũng mê, cũng mơ mộng như bất cứ ai yêu trên thế gian này:
                                                          “Cho trăng chung một bóng
                                                           Cho mộng chung một một giường
                                                           Cho chân chung một đường
                                                                                       (PTT- mong mỏi)
Vậy là PTT hạnh phúc nhất đời rồi…Nếu như sự “mong mỏi” kia trở thành hiện thực. Đó chính là uyên ương đấy- Không ai yêu mà muốn “một nửa kia” của mình rời ra cả. Hỡi những người đang yêu, đã yêu và sẽ yêu- Hãy cùng...mơ  như thế; Và cùng nhau “hiện thực”. Đừng để cho một mình ai phải tuyệt vọng , khổ đau. Vì thật là bất hạnh nếu như:
                                                           “Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                                                            Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
                                                                                     ( Nguyễn Du)
Yêu, lãng mạn và “đẹp”như PTT…Quả là đáng yêu thật. Đến độ mà khi người yêu đi rồi
Ông  còn  ở lại mà luyến tiếc chút “dư hương”của nàng:
                                                           “Em đã về rồi
                                                            Anh còn ngồi lại
                                                            Ghế em ấm mãi
                                                            Như lòng anh đây
                                                                                    (PTT- Dư hương)
Thể thơ bốn chân của PTT điêu luyện như một vũ điệu tài hoa. Ông…Yêu quá. Yêu đến nỗi tình của ông thành huyền diệu, lung linh:
                                                           “Em bay là chuyện của em bay
                                                            Bâng khuâng là của trái tim này
Mơ mộng, thanh cao thoát ra ngoài cái ham muốn xác thịt tầm thường:
                                                           “Chút lãng mạn ấy là muôn thuở
                                                            Cần chi là thơm một ngón tay
                                                                                     (PTT- mơ tưởng)
Thơ PTT thoát tục, nhuộm màu thiền đạo. Ông nâng người yêu lên cao khiết, huyền tình. Ngoài một bài Đường luật thất ngôn bát cú “Cổ lũy cô thôn” ra thì cả tập TÌNH THƠ theo thể truyền thống.

         Phần nữ sĩ ĐINH HƯƠNG chiếm một nửa thi tập. Bút lực dồi dào, nhạy cảm - Chính  
thế mà thơ ĐH  tuôn chảy lai láng theo  nỗi niềm bà trăn trở:
                                                          “Thơ ta để lại cõi trần gian
                                                          Có ai đọc được còn thương tiếc
                                                           Xin hãy vì ta khóc lỡ làng
                                                                                     (ĐH- miên man)
Tôi chắc có rất nhiều người đọc bà. Trong cuốn “Tác giả thơ Việt Nam đương đại”Hoàng Hương Trang viết về bà sâu sắc lắm. Tôi cũng may mắn là trong tủ sách của mình có nhiều thơ ĐH. Nhưng sao lạ quá ! Sao ai cũng buồn vì tình hơn vui? :
                                                          “Hình như cả kiếp, cả đời
                                                           Em mơ ước mãi để rồi trắng tay!”
                                                                                    (ĐH- hình như)
Tôi cũng yêu, cũng mơ ước như bà. Tôi thủy chung, tha thiết với “NÀNG”của tôi vậy mà rồi…cũng khổ! Không biết khi tôi khổ vì nàng thì nàng có hạnh phúc trên nỗi khổ đau của tôi không? Một nữ sĩ như ĐH mà cũng…Khóc lỡ làng thì đúng là quá đau khổ rồi. Nhưng bà “chấp nhận” vì khi đã:
                                                          “Dấn thân trong cõi mơ màng
                                                          Trôi theo ảo mộng ngập tràn xót xa”
                                                                                    (ĐH- trải nghiệm)
Phải nói sức viết của ĐH quá sung mãn. Bà viết theo cái nội tại rất thơ có sẵn trong bà. Vui có, buồn có; Thoải mái “ghi” lại những ưu tư, khắc khoải trong lòng – làm cho thơ bà mang một nữ tính rõ rệt. Ôi. Nếu …Không vì thơ thì ĐH không thế này đâu:
                                                         “ Trong cuộc sống có trăm ngàn nỗi khổ
                                                                 ………
                                                         Giây phút lắng lòng ta lại làm thơ
                                                         Ghi vội vã sợ cuộc đời lấy mất”
                                                                                    (ĐH- bay vào)
        Thầy Nguyễn Hiến Lê nói rằng: “cái gì làm cho cuộc sống phong phú lên là cái ấy đẹp ”. Mà với tâm hồn người ta thì cái gì đẹp và phong phú cho bằng tình và thơ nhỉ?
Cúi xin chiêu niệm thi sĩ tiền bối HTL. Xin cảm ơn ba vị tác giả đã cho tôi dự bữa tiệc thơ thú vị trong ngày thơ thế giới. Xin trân trọng.

                                                               HUYỀN MAI HUYỀN
                                                  Quảng Ngãi Trọng  xuân canh dần
                                                                     Tháng 3 / 2010
  
*Lời tựa tập thơ TÌNH THƠ
ba tác giả: Hoàng Trúc Ly, Phạm Thiên Thư, Đinh Hương
NXB Thanh Niên 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét