Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Bốn cánh chim xa

                                       

“BAY” CÙNG BỐN CÁNH CHIM XA.

(Trích “Bốn cánh chim xa”  đã tái bản lần hai  - Nxb Văn Nghệ năm 2008)

         Hình như trên trần đời nầy có sự may mắn vô hình quanh quẩn chúng ta. Nhờ đó mà chuyến đi Tây Nguyên nầy, tôi… “trôi” xuôi theo dòng trường lưu của tạo hóa, dạt về Thành phố Hồ Chí Minh, ghé thăm Hoài Nam Thi Xã (H.N.T.X) để rồi được đọc bản thảo tập thơ BỐN CÁNH CHIM XA.( B.C.C.X.).
     Tìm hiểu về B.C.C.X..Tôi thấy mình lại có “duyên” khi được làm học trò của bốn tiên sinh thi sĩ nầy. Thì ra, họ là…bốn anh em ruột một nhà; Cùng dòng dõi họ Thân (dù tên, họ mỗi người không giống nhau) – Một CỰ TỘC có ngàn năm TÔNG SỬ, danh nghiệp lẫy lừng, văn đàn nức tiếng; rất gần gũi với lịch sử nước nhà (1). Hãy nghe bài thơ Cảm đề của B.C.C.X.:
                                    “Anh em cùng bố mẹ sinh ra              
                                     Yêu nước cùng đi giữ nước nhà
                                     Yêu trẻ cùng theo ngành giáo dục
                                     Yêu đời cùng góp mạch thi ca.”
                                            (B.C.C.X – Cảm đề)
Thật là hi hữu, thật là thú vị - Ít có gia đình nào có sự  “đồng điệu” đến như vậy! Những thi hữu khắp nơi hằng kết giao với H.N.T.X. Qua các tuyển tập thơ chung: Nối Vòng Tay Lớn, Con Tim Gọi, Hương Quê, Thương, Mãi Bên Nhau v..v…(H.N.T.X. còn tiếp tục cho ra đủ mười tuyển tập) chắc không ai lạ gì bốn cái tên Thi Đài Liên, Thi Lầu Ba, Thi Đình Khôi (Hạnh Thu Nhân) và Thi khoa Giáp – Bởi tác phẩm của họ luôn hiện diện ở mỗi tuyển tập. Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn là được… biết thêm chút nữa về họ và được đọc B.C.C.X. Khi còn là bản thảo:
                                    “Thu gọi thơ về kẻo nắng phai
                                     Nguồn mưa thay sắc mặt sông dài
                                     Mùa thu nhường bước mùa đông lạnh
Để Rồi:       
                                    “Thêm một thu chờ bóng dáng ai”
                                              (B.C.C.X. – Thu gọi thơ về)
Một bài thơ… lai láng chất thơ. Có sương khói của thơ Tiền chiến điêu luyện, có quê hương và …“em”, có nhớ nhung thành nhạc. Trong BCCX mỗi “Nàng Thơ” của từng tác giả lúc ẩn, lúc hiện theo từng bút pháp của họ - Mỗi “Nàng” một vẻ nhưng cùng một nét nhu mì, duyên dáng đến cổ kính, hoang sơ. Không có trường hợp bỏ ngôn ngữ “cô đơn” như các thứ “thơ”…không hồn vía, nghèo nàn thi lực – Thi Đài Liên nói lên cái “hồn” – Hay đúng hơn cái hồn của thi sĩ:
                                     “Và người làm thơ hiện diện
                                      Mang hồn núi tuyết , sông băng
                                      Cánh dơi ẩn tàng tháp cổ
                                      Rêu phong tuổi đá khô cằn.”
                                                (BCCX – Một vầng trăng khác)
Hồn thi sĩ là vậy. Dù cuộc đời có phũ phàng với thi sĩ, có hành hạ xác xơ bằng trăm điều bất hạnh thì thi sĩ vẫn có được… “quyền lực duy nhất” – Đó là biến hóa những con chữ, làm cho nó có “Hồn” để được gọi là…THƠ. Trong điều kiện dễ phổ biến và có quá nhiều…“nhà thơ” (?!) như hiện nay, để đi tìm thưởng thức một bài thơ có giá trị văn học, nghệ thuật cũng…hơi khó nhọc đấy! Tôi đã đọc hàng ngàn bài thơ…“đời mới” và cảm thấy  “bình yên” đầu óc khi được đọc những bài thơ như: Thu gọi thơ về, Một vầng trăng khác…trong BCCX.

                THỬ TÌM…TỔ CỦA BCCX:
Nhiều tư liệu và sử sách cho phép chúng ta có cơ sở nói rằng: BCCX hay HNTX  có dòng dõi từ vị tiền tổ Thân Nhân Trung, ở Bắc Giang (thế kỷ xv), gia phả và tác phẩm của BCCX cũng nói lên điều đó:
                                     “Tộc Thân ta đời đời  nghe tiếng gọi
                                      Của tiền nhân, tiên liệt mãi vọng về
                                      Tỉnh Bắc Giang đất tổ cách sơn khê
                                      Miền Lục Ngạn, Lục Nam là cố thổ.”
                                                 (BCCX – Rạng rỡ dấu khuyên son)
Và dòng tộc nầy lại có nguồn gốc từ thời nhà Lý mười thế kỷ trước (đã dẫn).
Thân Nhân Trung thi đậu tiến sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông (1469). Làm quan đến chức Hàn Lâm Viện Đông Các Đại Học Sĩ. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám, Là Phó Súy Hội thơ Tao Đàn mà chính vua Lê Thánh Tông làm Nguyên Súy (2), (vị Phó súy thứ hai là Cụ Tiến sĩ, nhà thơ Đỗ Nhuận.). Theo bài văn bia: “Đại bảo tam niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh bia ký” (1442) (3) thì ông Thân Nhân Trung chính là tác giả của câu nói bất hủ :”HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA – NGUYÊN KHÍ THỊNH THÌ THẾ NƯỚC MẠNH, NGUYÊN KHÍ SUY THÌ THẾ NƯỚC XUỐNG THẤP.”…Gia đình Thân nhân Trung có bốn người đỗ khoa bảng, lẫy lừng văn nghiệp, quan trường(4). Được đức vua yêu quý và hoàng triều nể trọng. Có nhiều cống hiến cho đất nước… Bài viết nầy không nhằm mục đích đi sâu vào tộc THÂN có cả nghìn năm Tông sử, con cháu đời nào cũng có người thành đạt, hiển vinh. Hiện nay con cháu dòng tộc Thân nầy đã phân tán gần khắp thế giới. Chỉ xin quay lại với BCCX của HNTX:
                                      “Đất trời cao rộng bao la.
                                       Mừng nhìn  “Bốn cánh chim xa” vọng nguồn.
Vì:
                                      “Từ miền bão dậy, mưa tuôn
                                       Chim lìa tổ ấm thuở cuồng phong xoay!”
                                             (BCCX – Khổ đầu bài thơ dẫn)
Đời ông, cha của BCCX ở làng Câu Nhi – Quảng Nam. Theo sách TÌM HIỂU CON NGƯỜI XỨ QUẢNG (nxb Đà Nẵng, năm 2005, trang 612) thì HNTX là một tổ chức thơ ca yêu nước. Do ông Thân Trọng tức nhà thơ Như Sơn chủ xướng cùng với nhà thơ Song Thu và Hoành Chi sáng lập tại Sài Gòn vào năm 1922, nhằm quy tụ những người làm thơ, văn thời bấy giờ. Nhưng rồi phải tan rã do hoàn cảnh xã hội bị nô lệ, bị đàn áp bởi thực dân Pháp.

                     BỐN CÁNH CHIM XA – CUỘC ĐỜI:
                                 
Còn nhớ lời “luận” của cụ Tiến sĩ Ngô thì Nhậm (còn có đại danh là Ngô Hy Doãn) khi họa thơ của Thân Nhân trung có viết rằng:
                                      “Nòi thơ tự nó sẽ có nòi thơ báo đáp.”…(6)
BCCX xuất thân trong một gia tông có truyền thống yêu nước, khoa bảng, đỗ đạt: Có “gien” thơ. BCCX làm thơ rất sớm. Đã đăng tải và quảng bá nhiều nơi. Anh em nhà họ luôn ôm ấp hoài bảo dựng lại HNTX:
                                      “Còn nhau còn cả thế gian
                                       Thuyền trăng chở khẳm vô vàn ý thơ.”
                                              (BCCX – Với sông trăng)
Hay:
                                     “Thơ ta vươn bắc nhịp cầu
                                       Xây tình thân ái, xây lầu tri âm.”
                                              (BCCX – Chứa chan dòng chảy)
Và:
    “Thơ ta thơm lúa chín vàng
     Quê hương tiếp nối đẹp trang sử hồng.”
        (BCCX – Chứa chan dòng chảy)
Anh em BCCX đều là nhà giáo kỳ cựu, có vị là giáo sư đại học giảng dạy ở đại học quốc gia. Nhà giáo Thi khoa Giáp tâm sự:
                                     “Ta góp phần bé nhỏ
                                      Cùng dân tộc anh hùng.”
                                               (BCCX – Gởi tặng đời)
Bằng cả nhiệt huyết của mình, ông tự nguyện:
                                     “Gửi đời trang giáo án
                                      Một tấm lòng hiếu trung.”
                                               (BCCX – Gởi tặng đời)
Ngoài thơ, BCCX còn làm sách, biên khảo. Thi khoa Giáp còn dịch sách từ Việt sang Anh ngữ và từ Anh sang Việt ngữ.
Tôi không mường tượng nổi BCCX đã dạy bao nhiêu học trò? Trong vô số “môn đệ” ấy có ai là KẺ SĨ?  “Kẻ sĩ” có mối quan hệ thật là quan trọng trong sự phát triển của đất nước…“Đại bảo tam niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh bia ký” (Đã dẫn). Họ học được gì của thầy mình? Họ “thấy” gì khi ông thầy tư lự?:
                                    “Thơ luôn gắn những vui buồn nhân thế
                                     Khiến thi nhân đầu bạc sớm hơn người!
                                     Mỗi giọt mực hóa thân tròn giọt lệ
                                     Tưới mầm đời cho hiện đóa hồng tươi.”
                                                 (BCCX – Thông điệp trái tim)
Sự luân hồi của giáo dục là thầy hay thì trò mới giỏi được. Mà trò có giỏi thì đất nước mới có hiền tài, quốc gia mới có “nguyên khí”. Cái ĐẠO đó từ ngàn xưa Khổng Tử đã phán rồi:
                                    “Tiên học lễ, hậu học văn.”
Bởi có “VĂN” mà thiếu LỄ thì coi như VÔ ĐẠO. (Khổng Tử từng bỏ nước Lỗ ra đi vì chê vua Lỗ…thiếu LỄ mà. Một bậc Thánh nhân như Khổng Tử mà vua Lỗ không giữ được thì đúng là một sự…chảy máu “nguyên khí” quá lớn vậy!) Mà đã VÔ ĐẠO  thì làm gì có…ĐỨC mà phục vụ nhân quần, xã hội? Thi khoa Giáp nói đơn giản mà đúng…không chê vào đâu được:
                                   “Chỉ cần một tên vô cảm
                                     Đủ gây khốn khổ tâm cam bao người!”
                                                   (BCCX – Sáng mắt rỡ ràng)
Thứ vô cảm đáng sợ thật! Nếu hạng người nầy càng nhiều thì…ôi! Càng nhiều khốn khổ!
Ngược lại có LỄ mà thiếu VĂN thì lấy đâu ra “NGUYÊN KHÍ”? Hễ thiếu nguyên khí thì tự mình cũng không “bền vững” được. Mong gì có chuyện giúp đời??? Chân lý đó nó có từ … “bán tự vi sư”. Đâu phải “đại trà”,mánh móc, hời hợt, “thành tích ảo” mà…SINH nguyên khí được đâu?  Hóa ra giáo dục cũng đòi hỏi… nhị nguyên là LỄ và VĂN. Có ngang hòa nhật nguyệt, âm dương thì mới…”SÁNG” vậy. Charles Du Bos nói:
                                    “Văn học đó là tư tưởng đi vào cái đẹp trong sáng.”
Đọc BCCX tôi thấm thía tư tưởng của CHARLES DU BOS và thấy đồng cảm với Thi Đình Khôi khi ông lạc quan:
                                   “Cứ gõ mãi cửa Thiên Đường sẽ mở
                                    Nhạc khởi hành là những tiếng chim vui.”
                                                   (BCCX – Mảng nắng gieo tơ)
Dù BCCX  hay bất cứ một  tác phẩm nào cũng khó mà đạt tới cõi toàn bích. Tuy nhiên sẽ không bao giờ có thứ văn học cho hạng vô tư tưởng, thiếu trong sáng mà hám danh. Càng sẽ không có chỗ đứng cho kẻ hữu danh vô thực. Đành rằng “sáng tạo” là quyền của mỗi người. Nhưng với thơ…đâu phải ai cũng muốn làm thi sĩ là được đâu? Thi Đài Liên quá bức xúc chăng khi ông viết:
                                   “Ai đi rao bán mảnh hồn
                                    Cho tôi hỏi giá càn khôn mấy đồng?”
                                                    (BCCX – Gieo trái ngọt)
Ông tỏ rõ cái TÂM và cái TÌNH – Phân biệt đâu là tiểu nhân, quân tử:
                                  “Quên tuồng phản trắc câu hàm huyết
                                    Nhớ chuyện keo sơn lửa chiến trường
                                                    (BCCX – Sinh nhật Tửu Hương)
Đúng thôi. Con người và nhất là thi sĩ thì đầu tiên phải có “TRÁI TIM”. Nếu thiếu “TRÁI TIM” thơ chỉ còn là cái…xác:
                                   “Nghệ thuật chỉ làm những câu thơ;
                                    Trái tim mới là thi sĩ".
                                                    (André ChesNier)
Hèn gì ông thầy Thi Lầu Ba cứ trăn trở. Trong “Nhiều đêm thao thức”, ông thổ lộ:
                                   “Thơ anh đấy vẫn cứ nghèo thi lực
                                    Nhưng đời cho nhiều cảm xúc, chủ đề
                                    Món nợ bút khiến nhiều đêm thao thức…”
Nhưng vốn “nòi thơ” nên chàng thi sĩ vẫn:
                                    “Anh miệt mài đâu phải bởi khen chê.”
                                                     (BCCX – Nhiều đêm thao thức)
Bốn nhà thơ không ngồi yên trước cảnh nước mất, quê hương bị giày xéo. Họ đã lên đường làm nghĩa vụ với núi sông:
                                     “Trái tim cả nước ta ơi.
                                     Lập công gìn giữ đáp lời núi sông.”
Nếu không “biết”…đáp lời núi sông, nếu chỉ là những câu thơ suông của hạng người VÔ CẢM thì BCCX cũng chỉ như…bốn cánh chim cò mà thôi.
                                    “Ta đi khắp bốn phương trời
                                     Không nơi nào đẹp bằng nơi quê mình.
                                     Ba miền sông núi xinh xinh…”
                                                      (BCCX – Non nước nên thơ)
Hay:
                                   “Em nghe chăng ba tiếng “Quảng Nam mình”
                                     Là tiếng đất và người quyện thành máu thịt”
                                                       (BCCX – Em nghe chăng?)
Đọc BCCX, ta thấy ý niệm về nguồn cội của họ…rất cao. Họ luôn luôn tâm huyết trong việc phát huy truyền thống, văn nghiệp tiền nhân:
                                   “Hậu duệ các người có chúng tôi
                                    Hoài Nam Thi xã tái sinh rồi.”
                                                       (BCCX – Một mái nhà)
Họ mong muốn và nỗ lực cùng anh em mình để HNTX được:
                                  “Thi nhân đất nước về đoàn tụ
                                   Một mái nhà chung nguyện đắp bồi”
                                                         (BCCX – Một mái nhà)
Truyền  thuyết về Trần Tử Ngang danh sĩ đời nhà Đường đã “phớt tỉnh” đập bỏ cây Cổ cầm gia bảo, đáng giá mấy trăm lạng bạc (không thèm bán dù lắm kẻ nài mua.) sau khi nhờ nó mà ông đã quảng bá mấy bài thơ tâm đắc cho người đời nghe và thuộc (7) mà buồn cho ai đó muốn…buôn thơ! Cụ Thi Đài Liên có lẽ cũng “ngông” như Trần Tử Ngang nhỉ?:
                                 “Ông cha vun đắp nghiệp văn chương
                                   Con cháu theo chân bước thẳng đường”
Ông chỉ nêu  một nguyện vọng rất chung là:
                                  “Sắc nước ngàn năm thêm khởi sắc
                                   Hương quê vạn thuở vẫn nồng hương.”
                                                          (BCCX – Tiếp chân)
Tầng số của thơ không phát từ những đài kỹ thuật – Kỹ thuật chỉ là phương tiện tiếp dẫn thơ  thôi. Thơ được hình thành và phát ra từ sâu thẳm của linh hồn. CHES TERFIELD nói chí lý:
                                 “Lối văn là y phục của tư tưởng.”
Từ đó – Khi đọc một tác phẩm – Nếu tinh tường ta sẽ  nhận diện ra tâm hồn tác giả là…“Ai”?  Một dòng thơ trôi chảy của thi sĩ sẽ khác với những câu chữ nặng nề, gò ép của mấy tay… thợ thơ.
       Bản chất của thơ là vậy. Nàng Thơ không phải người mẫu hay hoa hậu trong đời nầy. BCCX để tôi…cùng bay vào vùng trời mênh mông cảm xúc của họ. Ngữ văn chững chạc, nhuần nhuyễn; Ý tứ rất gần với hiện thực, trường đời. Không huyễn hoặc…trên trời, cũng không cục mịch…dưới đất. Chẳng bày vẽ “cách tân” lạc điệu. Thơ BCCX  thiên về nội tâm. Âm nhu chút “hương khói” của Nho gia. Bốn mạch thơ là bốn mạch nước từ giếng thơi : “Lạnh”, trong và ngọt – Nó là một vườn quê thuần túy yên bình , đầy hương sắc:
                                  “Bốn mùa mẹ giữ màu xanh
                                   Sum suê vườn quả, tươi lành vườn rau.”
        (BCCX – Thương lắm vườn xưa)
Hoặc:
                                  “Mẹ về, về với chúng con
                                   Cho vần thơ ngọt ru hồn mê say.”
                                                        (BCCX – Giấc mơ hồng)
   Ôi ! Lâu lắm rồi không được đọc một tác phẩm thơ thơm hương mùa cổ điển như thế nầy.. Cũng chưa có duyên đọc một tập thơ chung cả ngàn bài của bốn anh em một nhà làm thi sĩ như BCCX. Mai. Tôi sẽ độc hành về miền Trung trên một chuyến tàu đêm. Tự nhiên tôi thấy buồn! Không biết Nàng Thơ tôi đang ở đâu? Tôi xin gởi đến hai cánh chim đầu đàn: Cụ Thi Đài Liên và cụ Thi Lầu Ba đã về cõi vĩnh hằng lời tưởng mộ của một đứa hậu sinh. Xin tạm biệt Thi Đình Khôi (Chủ nhiệm HNTX) và Thi Khoa Giáp đã cao niên đang lèo lái con thuyền thơ HNTX.
            Dù ai có đi đâu, về đâu thì những vần thơ đằm thắm vẫn ở lại trong lòng người. BCCX có bay đi phương trời nào rồi cuối cùng cũng trở lại với cội nguồn nguyên thủy mà thôi.

                                                                Tp. Hồ Chí Minh, cuối Hạ - 2008
                                                                        HUYỀN MAI HUYỀN
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1)    Họ Thân hưng thịnh từ thời nhà Lý thế kỷ X1. Theo sách Nghìn Năm Văn Hiến và theo bộ tài liệu Họ Thân Trong Lịch Sử Việt Nam năm 2004 do Hội Khoa Học Và Lịch Sử Việt Nam, Hội Khoa Học Lịch Sử Thừa Thiên – Huế và Hội Đồng Thân Tộc xuất bản thì họ Thân ở Động Giáp có ba vị cùng một nhà được làm phò mã các vua nhà Lý: Ông Thân Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ gả Lĩnh Nam công chúa (Lý thị Bảo); con ông Quý là Thân Thiệu Thái được vua Lý Thái Tông gả Bình Dương công chúa (Lý Thị Giám); cháu là Thân cảnh Phúc được vua Lý Thánh Tông gả Thiên Thành công chúa ( Lý Thị Cảnh). Hiện nay ở Bắc Giang còn đền thờ và truyền tích. Đây là một thời đại thịnh trị của nước ta – Điển hình là bản Tuyên ngôn Độc Lập đầu tiên của Danh tướng Lý Thường Kiệt bằng một áng thơ tuyệt tác:
            “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
            Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
            Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
            Nhữ đẵng hành khang thủ bại hư.”
(2)    Năm Hồng Đức thứ 25 (1494) Lê Thánh Tông lập hội thơ Tao Đàn, quy tụ 28 văn thần lỗi lạc gọi là “Nhị thập bát tú” (tương ứng với 28 vì sao.)
(3)     Lâm Giang: “Thân Nhân Trung – Con người và sự nghiệp. Sách do sở VHTT Hà Bắc và huyện Việt Yên XB 1995.
(4)    Thân nhân Trung đỗ tiến sĩ năm 1469. Con trai ông là Thân Nhân Tín đỗ Tiến sĩ năm 1490. Em Thân Nhân Tín là Thân Nhân Vũ đỗ Tiến sĩ năm 1487 (trước anh mình 3 năm). Con Thân Nhân Tín là Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa năm 1487 (đỗ trước cha mình 3 năm). Đây là thời kỳ cực thịnh về văn học nước nhà. Sau khi thắng quân Minh. Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại cáo” – Là bản Tuyên Ngôn độc lập thứ 2 sau Lý Thường Kiệt 5 thế kỷ.
(5)    Lâm Giang: “Thân Nhân Trung – Con người và sự nghiệp” – (Sách đã dẫn)
(6)    Vậy sau năm thế kỷ tính từ thời Lý (Nguyễn  Trãi viết tuyên ngôn độc lập Bình Ngô Đại cáo).  Năm thế kỷ sau nữa tính từ thời Lê, Bác Hồ viết và đọc bản Tuyên ngôn độc lập thứ 3, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông Thân Trọng có 4 người con trai, cũng giỏi làm thơ, cũng học hành thành đạt (Dù hoàn cảnh xã hội và thi cử có khác xưa nhiều), cùng tham gia kháng chiến, cùng làm thầy dạy học. Bốn anh em nối nghiệp cha, dựng lại HNTX, làm sách, hội tụ nhiều văn nghệ sĩ bốn phương – Phải chăng là sự “phục hưng” của dòng họ Thân về văn nghiệp như cụ tiến sĩ Ngô Hy Doãn đã…tiên đoán ngày xưa? Con số 5 theo Kinh Dịch nó nằm ở “cung trung Hà Đồ” huyền bí quá! Ví như Ngô Thừa Ân viết chuyện Tề Thiên  bị Phật Tổ đè dưới Ngũ Hành Sơn…năm trăm năm vậy. Tại sao không là những con số khác? Ba bản Tuyên Ngôn độc lập cũng cách nhau 5 thế kỷ(?). Ôi! Kể ra gia đình HNTX cả... 5 cha con đều làm thơ, dạy học. Nếu không phải là sự… “báo đáp” thì cũng khó có trong đời vậy.
(7)    Trần Tử Ngang đem đàn ra chợ rao bán. Người xúm lại xem mua cây đàn quí rất đông. Ông “hát” thơ mình cho cho mọi người nghe nhiều ngày. Khi thơ ông nhiều người đã thuộc. ông nói: “Ta muốn để thơ lại cho đời chứ không phải bán đàn đâu.” Nói xong đập bỏ cây đàn mà về. (HMH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét