Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Những giọt "Trầm" trong tim


alt
LỜI TỰA       
                        NHỮNG GIỌT “TRẦM” TRONG TIM

      LÉSON PAUL FARGUE nói: “Trong nghệ thuật nhà toán học phải tự đặt mình theo sự sai khiến của ma quái.”
Thi ca là một trong những nghệ thuật đó. Thi ca được thể hiện theo …ngôn ngữ của thi ca – Bởi nó là nghệ thuật chứ không phải chính luận, càng không phải là giáo lý hay một phương trình của toán học – Do vậy thi ca có thể kết nối giữa cái thực hữu và hão huyền, nó từ trừu tượng bước qua hư vô rồi về lại tâm thức của chính tác giả. Người Thi sĩ có rung động đặc biệt trước thiên nhiên, trước cuộc đời, trước cái đẹp và cái xấu, trước tình yêu v..v…Nếu không thế thì thi ca chỉ còn là những con chữ khô khốc thiếu hẳn cái LINH HỒN của thơ. Và thi nhân chỉ còn là những anh…thợ của câu từ được xếp thành vần điệu.
     Nhờ sự…siêu nhạy cảm ấy cho nên Thi nhân “nắm bắt” rất nhanh những biến thiên thời cuộc mà có đôi khi một chính khách tầm tầm chưa chắc đã nhìn ra. Nhất là những “Love at first sight” tín hiệu mù mờ, xa lắc từ…phía bên kia của họ:
“Tôi tìm gặp khoảng trời xanh thẳm ấy/ Người là người – Tôi là tôi/ Ta gặp nhau, nhìn nhau, cùng tìm thấy/ Đáp số có rồi – Người giống in tôi.” (Nhật Bình – Song hành) Và để rồi bắt nguồn từ đó người Thi sĩ vướng víu mãi với cái “phút ban đầu lưu luyến ấy”( Thế Lữ) đến nỗi: “Sợi tóc bạc…un đúc nhiều nỗi nhớ/ Bao tháng năm…xuân sắc điểm xế tà.” (Nhật Bình – Sợi tóc nhiệm mầu). Nhớ, yêu hình như đó là bệnh đa tình của Thi sĩ? Nguyễn Bính thời tiền chiến đã từng nói thế: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.” Yêu nàng hay yêu chàng thì cũng là yêu chứ có khác gì đâu? Mười một tác giả của…TRẦM…chắc lại càng yêu hơn đấy. “Trầm” mà – Trầm có khi là…chìm; mà  chìm trong tình yêu thì tuyệt thật. Chính Tú Cần nói đây nầy: “Muốn lên tận chốn Thiên Đàng/ Xuống âm cảnh, về Dương gian để tìm/ Cõi nào giấu kín trái tim?/ Tình ta ngày ấy khuất , chìm nơi đâu?” (Tú Cần – Đá vàng). Đi tìm như Tú Cần thì trốn đâu…cho thoát nhỉ? Tự mình muốn hay tại ai xui mình như thế? Tú Cần lại tự nhận: “Bao niềm thương nỗi nhớ/ Bao oán trách xót xa/ Bao đắng cay buồn tủi/ Còn quặn thắt tim ta!”(Tú Cần – Sỏi Đá). Vậy là tại mình…hành mình nên mới có chuyện: “Nhớ ai nhớ mãi thế nầy/ Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn!’ (Ca dao). Càng theo sát từng tác giả đi sâu vào… “TRẦM” mới thấy ly kỳ. Ta cùng Võ An Khánh đi tìm tình yêu. Ôi ! lãng mạn làm sao! Ông kể lại hành trình rất tỉ mỉ: “Con đường nhỏ dẫn vào xóm nhỏ/ Cây cỏ ven đường lác đát bông/ Chông chênh mấy độ lòng không mỏi/ Hăm hở đi lên phía hoa hồng…” (Võ An Khánh – Tàn một giấc mơ). Hoa hồng hay bóng hồng gì cũng là…một mà thôi. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, còn “bóng hồng” là người yêu; Cũng là…HỒNG cả. Có khác nhau gì đâu? Nếu không yêu thì ai… “hăm hở” đi tim cái không có bao giờ? Thi sĩ  Pháp LAMARTINE không từng khuyên chúng ta rằng: “Muốn được yêu, hãy yêu.” đó sao? Tình yêu của Võ An Khánh gần gũi với quê hương, xứ sở miền Tây Nam bộ bình yên, trù phú của ông: “Về quê em mênh mông đồng nước/ Rặng cây xa mù tít chân trời/ Hàng điên điển ngâm mình trong nước/ Cánh chim chiều xuôi ngược dưới hoàng hôn…” (Võ An Khánh – Về quê em). Hình ảnh “quê em” trong lòng của  Võ An Khánh êm đềm bao nhiêu thì cảnh cô đơn của thân phận phụ nữ lẻ loi càng …tội nghiệp bấy nhiêu. Đúng thôi. Ai đã từng heo hút với cô đơn mới thấy đáng sợ và buồn tủi. Nhật Nguyệt kể lại: “Người đàn bà cô đơn/ Nửa cuộc đời khập khễnh/ Cố gắng vượt qua chặng đường/ Tăm tối, chênh vênh/ Như tơ nhện dày không lối thoát/ Không la bàn định hướng bước đi/ Lạc lõng/ Đơn độc/ Chơi vơi/ Cháy khát…/ Trên đôi chân chập choạng, rã rời…” (Nhật Nguyệt – Bóng) Ôi.! “Bóng” của Nhật Nguyệt là sự phản diện giữa hạnh phúc và bất hạnh, Giữa đơn côi và chung đôi. Những câu thơ tự do như bay nhảy để rồi rơi từng câu, từng chữ…nặng trịch rã rời cô đơn – Cô đơn đó là sự đồng nghĩa với bất hạnh – Nhất là sự cô đơn của tâm hồn. Ca dao có một câu sát đúng với nỗi lòng của : “Bóng” mà Nhật Nguyệt đã miêu tả: “Dù ai cho bạc, cho vàng/ Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay”(Ca dao) Có thế mới thấy tình yêu cao quí nhường nào? Sự cô đơn ấy mà…gặp bối cảnh “Biển về đêm”. Cái mênh mông biển, cái tăm tối của đêm cọng với cái cô đơn lạnh giá nữa càng đẩy người phụ nữ yếu đuối tội nghiệp đến đớn đau. Có lẽ vì thế mà Vũ Phượng…thét lên: “Thèm được khóc một mình riêng với biển/ Để tâm hồn nhẹ tợ áng mây trôi/ Thèm được nói một lời yêu với biển/ Sao mở lời bỗng nghẹn ở bờ môi??!!” (Vũ Phượng – Biển và đêm). Đó. Ai dám nói là sự xa vắng tình yêu là không hãi hùng? Từ tiếng lòng của một nữ thi sĩ; Bằng giao động thi ca nói lên không hãi hùng đó sao? Tình yêu ơi. Tình yêu thật mãnh liệt và tươi sáng. Thiếu tình yêu trái đất nầy sẽ lạnh tanh , sẽ tăm tối trong cơn mưa triền miên của hồng thủy. Cô đơn là kẻ thù của tình yêu. Chỉ có tình yêu là bất diệt: “Khi hiểu nhau như ấm lại lòng người/ Khi yêu nhau không còn ai hờn giận/ Cảm ơn đời mang cả mối tình thơ…” (Vũ Phượng – Tình yêu bất diệt)
Trở lại với tiêu đề “TRẦM…”của thi tập. Có thưởng thức hết “phong vị” của mười một tác giả - Dù TRẦM còn có ba chấm phía sau tức là còn…bỏ ngõ, chưa biết là “trầm” gì? Nhưng khi đọc hết tập bản thảo qua mấy lần thì tôi nghĩ đây là... “Trầm tích” để thành TRẦM HƯƠNG thôi; Trầm hương là một thứ “gỗ” có nhiều điểm nhựa của cây gió, là vị thuốc quí (còn có tên khác là kỳ nam) thả xuống nước thì chìm nên có tên gọi như vậy.
Câu thành ngữ “ngậm ngải tìm trầm” của người xưa là nói lên sự khắt nghiệt của người băng rừng, lội suối đi tìm trầm hương. Cái “Trầm” của thi ca, của văn chương là sự vắt não, moi trí tuệ, tinh lọc rung động, chắt chiu trăn trở mà chỉ có người thi sĩ mới…tìm được. Nhờ cái tố chất thi sĩ đó mà khi nhớ về cố nhân Ngọc Liên đã bật lên tiếng thơ não nùng: “Thôi cũng đành cúi xuống/ Hôn nhẹ mối tình sầu/ Tiễn đưa tình viễn xứ/ Chờ một kiếp mai sau,” (Ngọc Liên – Bóng chiều). Hay: “Đóa cúc dại ru tình anh nở muộn/ Giọt sương buồn thánh thót giọt tim ai/ Cõi riêng em say đắm ánh trăng gầy/ Sương khói phủ tình hồng theo núi biếc.” (Ngọc Liên – Trăng mùa đông)
Đó là tình yêu” và tình yêu là thế. Thiên Chúa sinh ra ADAM và EVA nhưng tình yêu mới là bắt đầu của nhân loại. Không có ai trong “TRẦM” bỏ quên tình yêu ngoài thi cảm của mình. Linh hồn ai cũng bàng bạc tình yêu;  Nhưng mỗi người một vẻ. Trần Ngọc Dung tư duy theo chân lý sinh diệt của luật tạo hóa. Nhưng trong tình yêu của chị lạc quan và tha thiết vô bờ: “Đời là cõi tạm phải không anh/ Yêu vĩnh cữu bởi linh hồn sống mãi” (Trần Ngọc Dung – Đó là tình yêu). Hay: “Tình yêu đó – Anh ơi em trao gởi/ Đến với anh là trao hết tấm lòng/ Ai không tin, hãy yêu đi sẽ biết/ Thần Ái tình cất cánh từ tim…”(Trần Ngọc Dung – Vẫn là anh) Tình yêu của người nhạc sĩ kiêm thi sĩ nầy vừa lãng mạn, vừa thành thật mà cũng “dữ dội,” vô tư không khiên cưỡng: “Em muốn nói với anh qua tiếng đàn/ Em muốn nói với anh bằng câu hát/ Em muốn nói với anh bằng…không nói/ Trái tim là tự hiểu trái tim nhau…”(Trần Ngọc Dung – Đó là tình yêu). Đọc hết những bài thơ của Trần Ngọc Dung. Tôi chợt nhớ câu nói của người Hung Ga ry: “Trong tình yêu cũng như trong giấc mộng, không có cái gì là không thể được.” Đúng thôi. Càng…được hơn khi đó là những câu thơ tình…bốc khói; Những nỗi niềm rất thật với yêu đương.
Người phụ nữ được Mẹ sinh ra để yêu và để làm say mê người đàn ông. Người đàn ông được Mẹ sinh ra để yêu và cũng để làm say mê người đàn bà; Mặt đất, bầu trời nầy sẽ là …số không nếu như không có Mẹ. “Không có mẹ/ Loài người không biết nói/ Không biết yêu thương/ Nhân loại sẽ không nhà” (MCS – Mẹ). An Sơn vì vậy đã hoài niệm về Mẹ: “Nhớ những đêm/ Trời trở lạnh/ Mẹ tôi bước chân khẽ khàng/ Kéo mền đắp ấm cho con…/Mẹ -  Mái đầu bạc trắng/ Con – Tóc đã hoa râm/ Ôi ! Tình Mẹ sông dài biển rộng.” (An Sơn – Ngày mẹ đi xa). Muôn đời hình ảnh người mẹ mà An Sơn kể trên kia trong thế gian nầy không ai mà không có Mẹ; Chúa , Phật , Thánh, Thần cũng từ Mẹ sinh ra.
 Mười một tác giả là mười một phong cách của thơ Bạc Liêu trong TRẦM. Có tả chân, có siêu thực, có tức cảnh, có tự tình…Nhưng nhìn chung vẫn một thể thơ truyền thống; Cú pháp linh hoạt, ngôn ngữ hàm chứa cái tâm chân chất và cái tình hào phóng, bao dung như người miền Tây Nam bộ. Nói tới Tây Nam mà thiếu Bạc Liêu là không phải miền Tây rồi. Hãy theo Lê Minh Toàn vào một nơi nổi tiếng nhất Bạc Liêu: “Chiều xuống/ Nắng nghiêng Lầu Công Tử/ Biết mình lỗi hẹn với thời gian…” (Lê minh Toàn – Chiều) Sao thế? Lỗi hẹn gì mà đang ngồi ở Lầu Công Tử lại thấy “nắng nghiêng Lầu Công Tử vậy? Hóa ra anh đang sầu tư: “Dưới cội hoa/ Chàng đã từng mơ thấy/ Tòa thiên nhiên/ Trên mặt đất cỗi cằn/ Đồng trũng và những cheo leo ghềnh đá/ Ẩn hiện như nàng / Trinh bạch thuở ban sơ…”(Lê Minh Toàn - Ảo Vọng) Đọc Ảo Vọng của Lê Minh Toàn. Tôi như lãng đãng theo KIỀU : “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” . Đúng là “tòa thiên nhiên “ thì đẹp mê hồn rồi.Thiếu mất cái “tòa thiên nhiên” tuyệt mỹ kia thì làm gì có tình yêu? Làm gì có nhạc, có thơ, có hội họa và cả…chiến tranh, hòa bình nữa đấy. A. DUMAS (con) đã nói “Vẻ đẹp trần truồng của người đàn bà là công trình của Thượng đế.” Có ai dám nói là sai đâu? Từ “ảo vọng” của Lê Minh Toàn đầy chất lãng tử. Ta bỗng bước qua cõi uyên nguyên vũ trụ, hay uyên nguyên của miền linh hồn trầm mặc nhập thần vào tĩnh lặng  uyên nguyên: “Quá rằm/ Trăng vẫn tháng giêng/ Chuông chùa cửa Phật tâm thiền an tâm/ Dãi vàng/ Hoa bát ngát sân/ Thu buông thánh thót trong ngần lá bay. “ (Hồng Vân – Huyền Diệu Đêm). Đây là một bài lục bát được Hồng Vân phá thể để rải nhịp nhàng theo bước trăng mà chị đang ngắm. Trong thanh tịnh, vô vi. Chị thả lòng với không gian và thời gian trong ngần sương, trong ngần trăng, trong ngần đêm và trong ngần gió mây có lá thu bay, có chuông chùa phổ độ…Thật phiêu hốt khi ta theo Hồng Vân vào Huyền diệu đêm. Bỗng hơi bất ngờ khi từ Huyền diệu đêm Hồng Vân lại bước ra…“khắc khoải ngày”. Chị viết: “Đầy vơi đong tích tắc ngày/ Đem hong nỗi nhớ vòng tay ôm chiều/ Ngỡ còn một khắc khoải yêu/ Vài ba vạn sáu ngàn liêu xiêu tình.” (Hồng Vân – Khắc khoải ngày). Ôi! Hóa ra trăm năm đời người ai cũng…bị liêu xiêu tình. Hồng Vân có phải Thánh đâu nên chị cũng còn tơ vương đó. Cũng đúng thôi. Thi nhân thì làm sao vô cảm được? Bởi không có tình yêu thì đâu có thi nhân: “Con bước lại con đường xưa Mẹ bước/
Trên vai mình nặng trĩu gánh chồng con/ Giọt nước mắt rơi khóc người đi trước/ Mẹ lấy đời mình khắc hai chữ sắt son.”(Ngọc Yến – Trăm năm). Tôi đã may mắn hạnh ngộ với nữ sĩ Ngọc Yến qua… thơ. Hình như giọng thơ từng trải của chị có chút gì đó nuối tiếc thời gian đã mất mặc dầu chị đang chấp nhận cái không gian hiện tại? Từ “trăm năm” Ngọc Yến ngó đến “ngàn năm”: “Có những điều lập lại đã ngàn năm/ Như hạnh phúc, khổ đau từ cuộc sống/ Như tình yêu, như nụ hôn cháy bỏng/ Mọi bắt đầu điều như thuở xa xăm.” (Ngọc Yến – Ngàn năm). Mọi bắt đầu điều như thưở xa xăm và “điệp khúc” đó sẽ được loài người hát mãi. Bởi tình yêu là sự kết hợp giữa nhị nguyên, là sự “phối khí” của giai điệu âm dương để hòa âm thành TRƯỜNG CA SỐNG. Linh hồn và thể xác là phương tiện cho quá trình đó mà tình yêu là sinh khí hay năng lượng để hóa sinh nhân loại…Cứ thế mà “mọi bắt đầu điều như thuở xa xăm” như Ngọc Yến nói kia thôi..
    Hơn một tuần tôi thao thức với TRẦM…. Trầm như mối lương duyên kết mười một tác giả đồng hương lại trong thi tập nầy. Mười một thi nhân là mười một giọt trầm tích lại. Mỗi “giọt trầm” có riêng thời gian và tuổi đời khác nhau – Nhưng đó là những giọt trầm ngọt và say, không đơn điệu chút nào. Xếp tập bản thảo lại. Hít một hơi dài nguyên khí ban mai khoan khoái. Tôi nghe như những “giọt trầm” của họ thấm vào linh hồn tôi.
Ngoài cửa sổ trời đang mưa. Trầm làm cho mùa đông nầy như đỡ lạnh hơn. Những câu thơ trong TRẦM… là những giọt mưa xanh cho hồn tôi thay lá.
Xin trân trọng giới thiệu “TRẦM… cùng bạn đọc.

                                                                                                    HUYỀN MAI HUYỀN
                                                                               Tàn Thu Tân Mẹo / 2011
(Nxb Thanh Niên 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét