(Hình trên mạng)
với…CÒN GÌ CHO NHAU.
Không phải ai rồi cũng có thể: “Cuộn mình trong vỏ “liêu trai”/ Để quên, để nhớ mặc ai “lụa là”. Ô ! Những câu thơ sao mà ly kỳ quá thế? Đố biết cái “vỏ liêu trai” lạ lẫm kia là cái gì ? Nhưng phải nói là cách dựng từ thì quá độc đáo. “Để quên, để nhớ… mặc ai “lụa là”” càng cho thấy cái hiền tâm của chị biết bao? Và nầy nữa: “Em về gom hết gió sương/ Gom mây lơ lửng giữa vòm trời xanh/ Hoà màu bóng nước thiên thanh”- Chỉ để cho riêng mình: “Quyện trong hơi thở trống canh gọi hồn”. (TV – Còn gì cho nhau). Vậy đó mà Thu Viết (TV) làm được, làm thoải mái, vi vu với những câu thơ toát ra “cái hồn” ngây ngây, rưng rức, lả lướt như từng “bước liêu trai”. Chữ “trời xanh” cuối câu trên, với cái “thiên thanh” cuối câu dưới…là một nghĩa ngữ - Vậy mà TV “phẩy tay” cho nó lật ngược thành hai bản sắc khác nhau - Để chỉ với bốn câu thơ thôi, chị đã lấy trọn một không gian trời, đất làm của riêng mình – Chính xác hơn là của TV – Đó… là thơ vậy. Và khi: “Trống canh gọi hồn” là lúc khiến chị tức tưởi, bùng lên tuyệt vọng, đau thương: “Em gào thét/ Suối oà lên tiếng khóc/ Gọi tên anh/ Lạc lõng giữa muôn trùng/ Rừng núi khép/ Ôm dòng sông chảy miết/ Anh ôm tình/ Đi biệt mấy mùa thương”! (TV - Suối khóc).
Thu Viết…dám đồng hành với “nỗi đau” của trái tim để gào thét với THƠ; Đó là cái thực đầy bản lĩnh - Bởi một văn nghệ sĩ mà không dám “đồng hành” với chính mình - Thì phía sau lưng họ chỉ là sự giả dối hoa mỹ. Đọc CÒN GÌ CHO NHAU (CGCN) của TV, tôi liên tưởng một nữ sĩ thời tiền chiến với cuộc tình buồn nức nở, đã thấm sâu vào lòng người: “Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ/ Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu/ Gió về lạnh lẽo chân mây trắng/ Người ấy sang sông đứng ngóng đò”(TTKH – Hai sắc hoa ti gôn -1937), Và đau khổ vì biết sẽ một ngày: “ Tóc úa giết dần đời thiếu phụ/ Thì ai trông ngóng chẳng nên chờ” (Khuyết danh) – Cũng như những thi nhân kia: Hình như TV đến với thơ…từ NỖI BUỒN THIẾU PHỤ? Qua CGCN ta thấy TV là một “Nàng Thơ buồn”- Cái buồn của nàng thơ cao nhã, thanh tân; cái buồn nhẫn nhục, thông minh chứ không phải cái buồn của nhỏ nhen, trần tục. Và có lẽ chị đến với thơ cũng không phải để làm…“nhà thơ”; Nhưng tự nhiên “bản sắc nàng thơ buồn” đã đưa TV thành thi sĩ: “Đêm rất lạ/ Cầu Trường Tiền không ngủ/ Dòng Hương giang thao thức ngó sao trời/ Em dạo bước qua từng con phố nhỏ/ Thu chưa về mà có lá vàng rơi.”(TV - Với Huế) - Phải nói là rất thi sĩ - Nếu không chị sẽ không “Với Huế” như vậy, nếu không chị sẽ không “cuộn mình trong vỏ “liêu trai”” được đâu, nếu không chị sẽ không bao giờ nghe “Suối khóc”, và nếu không…thì chúng ta cũng chẳng có được “CGCN” nầy của chị với THƠ.
Thơ TV có trên các tuyển tập toàn quốc, trên báo chí, trên website, thơ phối nhạc phát trên đài truyền hình thành phố HCM. Và rồi hôm nay tập hợp lại ở “khoảng trời riêng” CGCN nầy. Hình như TV rất có duyên với…nàng thơ; Cuộc lương duyên đó được chị xác định như một triết lý tình yêu: “Thà không yêu/ Hơn là yêu một nửa/ Thà không anh/ Hơn lượm mót tình rơi” (TV - Em là thế).Từng bước, từng bước quanh quẩn trong CGCN càng phát hiện TV có phong cách thể hiện độc đáo cả về hình thức lẫn dụng công: “Em là em/ Của bình minh mỗi sáng/ Là giọt nắng hồng/ Là sương sớm ban mai…”(TV – Em là em…). Chị yêu thơ hay thơ yêu chị, tôi cũng không biết nữa? Nhưng có lẽ nếu không có tình yêu tha thiết, đam mê đó thì CGCN không vi vu, đằm thắm và tràn trề rung cảm thế nầy đâu. BoNin nói: “ Bộc bạch được nỗi ưư phiền của mình tức là làm cho nỗi ưu phiền nhẹ bớt.”.Hèn gì trong biển buồn mênh mông của tình đời, của bon chen cơm áo TV vẫn “hát” được với chính mình: “Bến sông chiều, tiễn người đi/ “TÌNH CA…” em hát Còn Gì Cho Nhau.?” (TV – Còn gì cho nhau).Thi vị quá mà cũng thật lãng mạn! Thi nhân mà thiếu giác quan lãng mạn thì những con chữ sẽ trở thành vỏ ốc. Cái “Bến sông chiều” kia ở đâu? Chắc chỉ có chị biết. “TÌNH CA” nào chắc cũng trong tâm thức chị thuộc mà thôi – Nhưng trên bến sông chiều kia thì: “Nước vẫn chảy mà phiền chẳng rửa/ Hoa có trôi mà nhớ khó phai!” (Đoàn thị Điểm- Chinh phụ ngâm). Cho nên “Nàng thơ buồn” vẫn cứ…làm thơ. Thơ TV ngọt bùi hơi thở, ám ảnh từng “bước” chuyển mùa của tình yêu, của hoàn cảnh, nức nở mà nhu dịu như bảy sắc cầu vồng, buâng khuâng hư thực, lung linh nắng, lung linh mưa, lung linh mùa thu, lung linh sương khói và lung linh tình quê, TÌNH MẸ: “A Di Đà
Phật niệm xin/ Xin cho mẹ được bên mình bình an/ Là bao lo lắng trong lòng”. Bằng tất cả chí thành, chị nguyện: “Mẹ ơi. Con cài đoá hồng/ Trong tim hiếu thảo để mong đáp đền.” (TV- Sắc trời Vu Lan). Thật xúc động! Với MẸ- Trong tâm hồn chị là một “sắc trời Vu Lan” cả bốn mùa hiếu thảo, chị luôn hướng vọng về người mẹ kính yêu. Thông minh mà dí dỏm, TV “tự thủ” hồng nhan thân phận theo thiên tín “hồng nhan đa truân” (1) qua cái tên HỒNG thật đẹp, tư lự, mặc khải: “Tên em là đoá hoa hồng/ Thân mang nặng hạt bụi trần trên vai.”(TV- Mười thương).
Đọc thơ TV cứ tưởng như lời bộc bạch của tiếng vọng thâm tâm. Có cô đơn, bẽ bàng đồng vọng: “Trong cõi buồn đi mãi bởi không anh/ Để mới biết nghĩa là không tất cả/ Bỗng vô tình, em hoá thành chiếc lá/ Rơi hoang đường trên chăn gối vô duyên!” (TV- Cõi buồn). Ôi! “Chăn gối vô duyên” thì có nghĩa gì đâu hỡi người? Chị bay theo thân phận chiếc lá thu vàng nhập hồn vào lá để dệt thành những dòng thơ u uẩn: “Dẫm chân chạm hạt mưa phùn/ Mắt cay vô vọng sương buông khói mờ/ Xa xăm biết đến bao giờ/ Để em rót chén đợi chờ tình si?!”(TV- Lấp khoảng trời đêm).Thế là buồn lại buồn thêm! Chị lại càng nhớ về mẹ, nhớ quê mẹ xa xăm: “Quê hương con mãi khắc ghi/ Cho dù dâu bể xô đi phương nào/ Quê hương tình vẫn dạt dào/ Sông Thu quê mẹ ngọt ngào Quảng Nam.”(TV- Chùm thơ bay). Đúng là chị…có MỘT TẤM LÒNG và cứ mặc “cho gió cuốn đi ” (Trịnh Công Sơn).Không giả dối, không mặc cả, không phân bua, cường điệu, luôn luôn là một tính cách thật thà rất phụ nữ…chỉ với rung cảm và rung cảm thôi - Một thứ rung cảm của tấm lòng nhân hậu. Chính vì cái TẤM LÒNG đó mà khi đọc thơ chị, tôi bị cuốn hút theo “chiếc bóng” liêu trai của Nàng thơ buồn mà không hay. Bỗng chị dừng lại ở hiện tại. Mặc nhiên nhớ về quá khứ trong cảnh thu không lạnh vắng thiết tha: “Cứ để thu buồn, sương cứ rơi/ Rơi cho thưong nhớ tím khung trời/ Rơi cho em tiếc thời con gái/ Cho lạnh môi sầu ngang trái ơi!”(TV- Chùm thơ bay.)
Mỗi bài thơ, mỗi tứ thơ là một cung bậc của chiếc Tì Bà lảnh lót qua ngón bút của…nàng thơ buồn – Cái buồn truyền kiếp của thơ tình thật dể thương làm sao! TV bình thản thả những…cánh HỒNG vào thơ mình . Chị có cảm quan tinh tế , có ngu ngơ, thật thà, có triết lý, tự thoại: “Em nhận diện cuộc đời/ Qua lối mòn dĩ vãng/ Em nhận diện tình anh/ Qua ánh mắt tủi buồn.” (TV- Nhận Diện). Với thơ xin đừng phản biện hay phê bình bởi: “Thói phê bình khiến ta mất đi một cái thú khác – Đó là thật sự xúc động trước những cái rất đẹp.”(Jean dela Bruyère).Xem thơ…“Nàng Thơ Buồn” thì câu nói nầy lại càng thú vị.
Thi sĩ Ba Lan Cyprian Norwid từng nói: “Thế giới nầy rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: “Thi ca và lòng nhân ái.”” CGCN của TV cho tôi càng thấy rõ được hai thứ đó qua sự rung cảm vô biên của chị. Cảm ơn chị đã cho tôi đọc bản thảo và viết những lời suy tư nầy. Rất mong được sự đồng cảm của khách thơ. Ôi ! Kiếp người nầy… “còn gì cho nhau” đáng trân trọng, thiêng liêng bằng TÌNH YÊU? Xin hãy cho nhau và cho nhau mãi người ơi.
Huyền Mai Huyền
Quảng Ngãi xuân Tân Mẹo- 2011
****************
CÒN
GÌ CHO NHAU
Mưa chiều
hát Lý mười thương
Trắng
đêm mộmg tỉnh còn vương giấc nồng
Lỡ mai
buông tiếng tơ lòng
Đời phiêu
du lạc nụ hồng tàn phai!
Cuộn tròn
trong vỏ “liêu trai”
Để quên, để
nhớ mặc ai… “lụa là”.
Dẫu đời còn lắm phong
ba
Dẫu tình
nhuộm tím ánh tà chiều hôm.
Em về
gom hết gió sương,
Gom mây lơ
lửng dưới vòm trời xanh,
Hoà màu
bóng nước thiên thanh
Quyện trong
hơi thở trống canh gọi hồn.
Gác đài
quyện mái cô thôn
Suối
sông dẫn lối ta còn tìm nhau
Gặp nhau
dẫu bạc mái đầu
Rồi đành đôi ngả bên cầu từ ly
Bến sông chiều tiễn người đi
“TÌNH
CA…”em hát
Còn gì cho nhau.
TV
2010
-------------------------------------------------------------------------------------(1) Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
( Chinh phụ ngâm - Bản dịch của Vân Bình – Tôn Thất Lương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét