(Hình trên mạng)
THƯƠNG
Cảm ơn người mãi thương người
Câu thơ, tiếng hát duyên cười cho nhau.
Nhận phần từ vốn thương đau
Tơ tình dệt gấm mà lau lệ sầu.
Dẫu chờ tháng bảy mưa ngâu
Cũng đừng lỗi hẹn qua cầu sông Ngân.
Trả đâu màu áo hồng trần
Thì thôi chớ trách trời gần, trời xa.
Ngọt ngào em vẫn ru ta
Vui cao tiếng bổng, buồn sa giọng trầm
Đất trời xao xuyến chân âm
Tiếng ru gọi tiếng nguyệt cầm quyện bay.
Ru mơ cả thế gian nầy
Toàn đêm thu mát, toàn ngày xuân xanh
Muôn năm trái đất yên lành
Nâng tầm nhân ái để dành thương nhau.
Hoài Nam Thi xã
******************
******************
(Trong tuyển thơ “Thương” của Hoài Nam Thi Xã)
Tôi tâm đắc lắm khi Hoài Nam Thi Xã (HNTX) cho ra mắt tập thơ “THƯƠNG” nhiều tác giả, dày gần ngàn trang – Một cái tên…rất thơ.- Không cầu kỳ, cường điệu; chẳng có chút gì đòi hỏi phải “sáng tạo” công phu – Nhưng lại là một cái tên…tuyệt vời.
Từ cảm xúc chân thành đó; Tôi thử “theo bóng” nàng “Thương” – Bài thơ thay lời ngỏ của HNTX.:
“Muôn năm trái đất yên lành
Nâng tầm nhân ái để dành thương nhau”
(Thương – 2 câu cuối)
Có lẽ mục đích và nguyện vọng của “Thương “ đây chắc? Thật là
ĐẠO HẠNH – Giống một…Đạo sư thơ hơn là của chàng thi sĩ – Lời thơ như
điệu kinh cầu xin yêu thương (không phải yêu đương) của tâm linh tác
giả, cho tất cả mọi người và cho chủ đề tập sách.
Tôi quanh quẩn trong bài thơ để rồi cũng trở lại từ đầu với “Thương”:
“Cảm ơn người mãi thương người
Câu thơ, tiếng hát, duyên cười cho nhau.”
(Thương – Câu 1, 2)
Tại sao HNTX lại cảm ơn (người mãi thương người) ? Tác
giả…”quan sát” thấy nhân tình, thế thái bạc bẽo quá chăng? Hay chính tác
giả quá trải tường, vị tha với cuộc đời?:
“Nhận phần từ vốn thương đau
Tơ tình dệt gấm mà lau lệ sầu!”
(Thương – Câu 3, 4)
Ôi ! Vốn …đã thương đau rồi thì “LỜI” chắc càng đau thương
nữa – Đó là nhân quả “bất hạnh” của người Đạo hạnh. LA. ROCHEFFOU CAULD
viết: “ Nhịn mà cho người , thế mới đáng quí trọng.”
Ngay từ đầu giọng thơ đã “chùng” xuống như một khúc tì bà u uẩn mà không
yếm thế, ảm đạm; Cũng không thấy “Thương” hối hả như lời yêu của Xuân
Diệu:
“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Mau lên em, tình non sắp già rồi
Con chim hồng, trái tim nhỏ tôi ơi…”
(Xuân Diệu – Giục giã)
Tôi như bị ngấm men bài thơ khiêm ái tình đời thâm trầm, ngọt như tiếng tiêu xưa dưới rừng trăng. Chắc HNTX không…quí tộc, không “tiểu thư” mà dệt gấm lau lệ cho mình đâu – Một thứ…gấm khác gấm – Được dệt bằng…TƠ TÌNH vô giá.:
“Nhận phần từ vốn thương đau
Tơ tình dệt gấm mà lau lệ sầu.”
(Thương – Câu 3, 4)
Hoặc:
“Dẫu chờ tháng bảy mưa ngâu
Cũng đừng lỗi hẹn qua cầu sông Ngân.”
(Thương – Câu 5, 6)
Hình như tác giả… “trách khéo” cố nhân đã lỡ hẹn thề? Có ai còn nợ
với THƯƠNG xưa? Đâu ngày mồng bảy tháng bảy hằng năm – Đâu cầu Ô Thước
để chàng và nàng gặp nhau khi mà vệ tinh bay đầy trời, sóng điện phủ tứ
tung? Bây giờ trái tim và tình yêu cũng…hiện đại xô bồ, chen lấn nhau trên… “cầu” sóng điện; Có lắm kẻ sử dụng điện thoại… “năm xim, bảy máy”
để thỏa mãn một thứ tình yêu…khát dục mới đáng…khiếp! Thiên hạ quên dần
Ngưu Lang, Chức Nữ ngàn xưa. Câu thơ trên làm tôi nhớ đếnThế Lữ với một
bóng hồng thơ mộng, dễ thương:
“Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Những sợi tơ trời lất phất bay”
(Thế Lữ - Tơ trời với tơ lòng)
Dù một cuộc tình đã xa – Rất xa – Và thời gian cũng không dừng lại để chờ. Nhưng đã là… nợ thì phải gánh lấy:
“Trả đâu màu áo hồng trần?
Thì thôi chớ trách trời gần, trời xa.”
(Thương – Câu 7, 8)
Hai câu thơ kia mang mang chút Kiều:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”
(Nguyễn Du – Kiều)
Ôi ! Hóa ra cái nợ tình nầy ai cũng giống nhau! Một Nguyễn
Du, một HNTX và như tôi hay cả thế nhân nầy cũng không…chạy khỏi nghiệp
yêu – Cái “nợ” mà mình chỉ biết…lo trả thôi chứ có biết “vay” hồi nào
đâu? Và có lẽ đến chết vẫn còn…nợ:
“Em vẫn thế -
Vẫn là EM mãi mãi
Hạt bụi vàng
Trong kiếp bụi mai sau…”
(Mai chiêu Sương – Hạt bụi vàng)
Tới khổ thơ thứ hai; Hình như HNTX đã…rất nhớ chứ không phải THƯƠNG không thôi đâu. Nhớ quá hay vì THƯƠNG mà ao ước – Nên tác giả như nghe:
“Ngọt ngào em vẫn ru ta
Vui cao tiếng bổng, buồn sa giọng trầm.”
(Thương – Câu 9, 10)
Ôi ! Ân tình quá! Nhưng sao HNTX không dùng chữ…bùi (ngọt bùi) – Có lẽ nếu dùng chữ “bùi” thì ý thơ sâu hơn, đầy hơn chút nữa – Đó là theo thiển ý tôi thôi – Dù gì thì “Thương” cũng đê mê, da diết đến lời thơ như muốn thoát tục:
“Đất trời xao xuyến chân âm
Tiếng ru gọi tiếng nguyệt cầm quyện bay.”
(Thương – Câu 11, 12)
Dòng thơ đến đây bất ngờ xuất hiện hai chữ “chân âm” hơi xưa
và khó hiểu. Tôi hình như tác giả đi “trượt” qua miền Kinh Dịch, cổ văn
– Chân âm là là quẻ KHÔN, là phụ nữ, là NGUYÊN của “nguyên, hanh, lợi,
trinh” hay chân âm là…tiếng tự đáy lòng?
“Đất trời xao xuyến chân âm”
Vì:
“Tiếng ru gọi tiếng nguyệt cầm quyện bay.”
Ôi ! Ru từ đôi môi người đẹp – Lời ru ác liệt làm sao? Đức Trung với hai câu cuối trong bài “Nụ hôn và thơ” cũng kể:
“Nụ hôn ngọt lịm đậm đà
Trăm năm sau cũng không nhòa nụ hôn.”
(Thương – Trang 616)
ALI LI LA ZÔ ZÉP thì khẳng định: “Nụ hôn sinh ra loài người”. Hay hai câu cuối trong bài “Lục bát tặng em” của Võ Minh Trang cũng… nhức nhối với tình không kém:
“Em về giặt bóng hoa tàn
Sông anh đục nước vẫn ràn rụa thơ.”
(Thương – Trang 609)
Cái chất yêu, cái chất tình của ai cũng phải lãng mạn, tha thiết thì nó mới…thơ được. Nhưng tôi nghĩ nếu dùng từ lạ, từ đa nghĩa thì tác giả phải chú thích – Bởi thường thì bao giờ độc giả cũng vô tư
hơn tác giả - Mà tác giả thì làm sao “buộc” người đọc hiểu theo ý mình?
Để người đọc dễ thưởng thức, không “nghẹn” sự thú vị và…mất trớn
thì có lẽ sự chú thích là cần thiết – Như khi đọc bài thơ “Đến Phan
Rang” của Nhuệ Giang (Câu 4 – THƯƠNG – Trang 178 từ NHẠNG) tôi không
hiểu? Tìm chú thích không có - “Nhạng” gì mà có G đây?
“Ru mơ cả thế gian nầy
Toàn đêm thu mát, toàn ngày xuân xanh”
(Thương – Câu 13, 14)
Thôi đúng rồi ! “Chân âm” đây là điệu ru của tình
vậy; Tiếng ru của Nàng Thơ lý tưởng, của cái tâm tha thiết nhất
trời…THƯƠNG. Không lem lấm, lọc lừa, phản trắc; Không mưu mô, hỗn độn,
tranh giành vì bởi:
“Muôn năm trái đất yên lành
Ru tầm nhân ái để dành THƯƠNG nhau.”
(Thương – 2 câu cuối)
“Để dành thương nhau” tác giả muốn nhắc nhở chúng ta hay tự
nhủ mình? – Đừng… “tiêu xài” TÌNH lang chạ, quá trớn và vô nghĩa. Giữ
được cho tâm hồn biết…để dành thương nhau thì đáng quí lắm thay !
Bài thơ THƯƠNG bốn khổ, mười sáu câu lục bát vận luật kín, ý tứ dạt dào, không có từ “độn”, từ “chết” nào, không xếp chữ như kiểu…nện vô cho đủ bè mà mấy “thi làng” hay ngồi đâu cũng vỗ ngực xưng mình là nhà thơ
thường chơi. Dáng thơ mượt mà, mạch thơ lai láng mang vẻ đạo mạo, triết
lý rất khả kính. Mở đầu tác giả “xin” sự THƯƠNG NGƯỜI, rồi “đóng” lại
cũng bằng THƯƠNG NHAU.Không “trôi” lạc chủ đề, không cà lăm như ta thường gặp ở các bài thơ…đẻo chữ
Đây là một bài thơ…có thơ, một tác phẩm của một nhà
thơ đúng nghĩa. “THƯƠNG” là chiếc áo đẹp cho những bài thơ đẹp trong
THƯƠNG.
05/ 2008
(Nhà thơ Hạnh Thu Nhân Là chủ nhiệm Hoài Nam Thi Xã, Ông vốn dòng dõi
Tiến sĩ THÂN NHÂN TRUNG người Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc tử giám và
cũng là phó súy Tao Đàn gồm 28 văn thần lỗi lạc thời nhà Lê. Hạnh Thu
Nhân có 4 anh em ruột đều là nhà giáo, nhà thơ tên tuổi,có vị là giáo sư
giảng dạy ở Đại học quốc gia Hà Nội. Ông đã ngoài “cổ lai hy” đang sống
ở quận 3 tp HCM.)
(*)trích Hợp tuyển thơ Như Sương Ban Sớm NXB Băn Nghệ 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét