EM ĐÃ THẤY GÌ TRONG MẮT ANH
VŨ QUANG – DUYỆN NỢ VỚI THI CA
Thật bất ngờ tôi được Vũ Quang (VQ) tặng tập sách “Ta Nợ mùa đông” với
141 bài thơ của anh; Đây là tập thơ đầu đời do nxb Quân đội nhân dân
cấp phép năm 2015; Và càng bất ngờ hơn khi được anh gởi tiếp tập bản
thảo “Em đã thấy gì trong mắt anh” vừa hoàn thành với 150 bài thơ nữa.
Thơ VQ đọc không…”đau đầu” bởi nó mượt mà, dễ thương như “Nàng thơ”
trong anh. Càng đọc mới thấy anh phóng bút thoải mái, câu cú bài bản,
điêu luyện, tứ thơ đa chiều du dương đầy “vị ngọt” thi ca như “Em đã
thấy gì trong mắt anh” vậy:
“Em đã thấy gì trong mắt anh/ Mây
trôi bãng lãng mộng yên bình/ Đã qua hơn nửa mùa chinh chiến/ Dòng suối
tình xưa vẫn ngọt lành” (VQ – Em đã thấy gì trong mắt anh). Thơ VQ là
dòng suối nhỏ giữa rừng nguyên sơ. Nó tự róc rách uyên nguyên của cội
nguồn cảm xúc tâm linh lãng mạn thi sĩ chứ không ồn ào, hô hoán như
thường thấy của các “nhà thơ” ngày nay. VQ viết cho yêu đương và yêu
thương nhân thế mang trăn trở thâm trầm; “Em đã thấy gì trong mắt nhau/
Tháng ngày tươi đẹp sẽ qua mau/ còn đây tro ấm ân tình cuối/ Xin giữ
đừng cho để bạc màu” (VQ – Em đã thấy gì trong mắt anh) Đúng rồi. Không
có ngọn lửa nào cháy mãi mà chẳng tàn tro. Nhưng xin hãy giữ cho “tro
lòng” đừng nguội. Hay đừng vội vàng dập tắt tro than mà một thời hai
trái tim cùng cháy. Ngay cả trái đất nầy, ngay cả mặt trời, tinh thú kia
mà nguội thì đâu còn gì để phát sáng tinh quang nữa? Chính trong VQ
luôn phát sáng tinh quang đó nên thơ anh thao thức hồn: “Xuân về theo
dấu mây bay/ Ta như thấy dáng đông gầy guộc qua/ Em còn vui mãi mùa hoa/
Đâu hay bến cũ mình ta lỡ đò” (VQ _ Bâng khuâng). VQ lang thang từ quê
hương, cổ sử, chợ đời, hoàn cảnh tha nhân, đồng đội, dĩ vãng đủ mọi thi
cảnh… Nhưng cuối cùng anh cũng dừng lại với tình yêu thấp thoáng bóng
hồng nhan: “Mời em/ Nhấm giọt sương rơi/ Để nghe trong mộng/ Bồi hồi
giấc đêm” ( VQ - Nguyên tiêu) Nguyên tiêu rằm tháng giêng là nguyệt đầu
của niên. VQ đi trong trăng Nguyên tiêu mà hồi tưởng: “Sông xưa lặng
chảy tiêu điều/ Cõng dòng nhung nhớ từng chiều trôi xa/ Nếu còn nửa mảnh
trăng ngà/ Anh xin gục ngã vào tà áo em.” (VQ – Trăng thề) Nhưng đã
“xưa thì còn đâu nữa mà gục ngã chứ? Chính thi sĩ Thâm Tâm cũng thất
vọng ê chề với cái “đi xa” ấy: “Người đi. Ừ nhỉ. Người đi thật/ Mẹ! Thà
coi như chiếc lá bay/ Chị! Thà coi như là hạt bụi/ Em! Thà coi như hơi
rượu cay.” ( Thâm Tâm – Tống biệt hành) Đã đi là mất; mất như khi anh
đến xứ Sa Huỳnh chạnh nhớ về Công chúa Huyền Trân: “Xa xưa lắm có nàng
công chúa Việt/ Theo lệnh vua làm vợ xứ Chăm Pa/ Đường hun hút ngựa chồn
chân mỏi bước/ Đưa tiễn nàng đến tận xứ Sa Huỳnh…” (VQ – Sa Huỳnh). Năm
1306 Huyền Trân công chúa được gả cho quốc vương Chiêm Thành là Chế
Mân. Để đổi lấy hai châu Ô và châu Lý. Năm sau Chế Mân chết. Hoàng đế
Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung cướp về để tránh bị thiêu sống theo
phong tục nước Chiêm thời ấy.
Trong cái tình của thơ VQ có cái
ngùi ngùi triết lý vạn vật vô thường, nay còn mai mất dở dang của nhà
Phật: “Hôm qua ta uống rượu sầu/ Hôm nay cạn chén nỗi đau nhân tình/
Đời người là kiếp phù sinh/ Không không, sắc sắc lưu linh lạc chiều.” và
: “Rượu hồng đã dứt cơn say/ Hỏi thăm cây cỏ đã bày tiệc chưa?” (VQ –
Say). Say. Tôi cũng say và ai cũng say – Đó là say tình. “Anh hùng nan
quá mỹ nhân quan” và anh cũng vậy thôi: “Giữa cơn mưa bụi bất ngờ/ Chòng
chành chén rượu thẫn thờ môi em/” . Để rồi sau cuộc tương phùng ấy là
bịn rịn chia ly: “Tan mưa rủ tóc em về/ Ta quay vó ngựa sơn khê chập
chùng” (VQ – Luận anh hùng) Chắc là anh nhớ chuyện “luận anh hùng” giữa
Tào Tháo và Lưu bị thời Tam Quốc đây?Hể người càng suy tư bao nhiêu thì
thâm trầm bấy nhiêu. Có lẽ VQ là con người của suy tư cho nên thơ anh
điềm đạm, bùi ngùi dù cho trong những bối cảnh có thể vui là…uống rượu
“Chiều nay vội vã ra binh trạm/ Tiễn bạn đi xa một chuyến dài/ Bụi bặm
hai thằng ra quán cóc/ Rượu thường, mồi tạm uống lai rai”. Đó là tình
bạn thiết còn là tình đồng đội nữa. VQ “tâm sự” cùng bạn hiền tron chén
rượu tiễn đưa: “Ồ kìa. Mầy có gì lưu luyến?/ Thôi chớ giận hờn chi cố
nhân/ Quê hương chưa khỏi vòng binh biến/ Đừng có chờ mong giấc mộng
vàng” (VQ – Tiễn bạn) Anh khuyên bạn thế vì anh ý thức rằng: Cuộc đời
muôn nẻo tình yêu/ Làm sao hiểu được vạn điều nhân gian/ Bên ni mộng đẹp
thiên đàng/ còn đây bên nớ lỡ làng duyên tơ” (VQ – Chỉ còn) . Cái tính
và cái tình của VQ thể hiện trong “Em đã thấy gì trong mắt anh” nó thật
và tế nhị như đức Khiêm ái mà Lão tử đã dạy. Anh tự bạch: Người ta ý
tưởng cao sâu/ Ngôn từ bác học luận điều vô biên….” Nhưng VQ thì: “Còn
anh vốn đã kiệm lời/ Cho nên thơ phú chỉ hơi buồn buồn” và anh thú nhận:
“Mấy vần gởi đến người thương/ Chữ hồn quê kiểng, lời thường bình dân.”
(VQ – Nói với em) Ngạn ngữ Đan Mạch có câu nầy: “Ở đâu vàng bạc chiếm
tâm hồn thì ở đó lòng tin, hy vọng và tình thương sẽ bị tống ra khỏi
cửa”. Câu nầy đúng tuyệt đối với cuộc đời và với…thơ. Thơ mà háo danh,
vụ lợi thì nó hôi màu sắc giả tạo đến choáng váng bởi nó phi thực và phi
đạo. Thơ VQ không hề có màu sắc giả đó. Anh phát ra từ trái tim trung
thực và hơi lãng tử cho nên thơ anh cứ như cánh chim giang hồ thanh thản
bay trên rừng thu trong chiều bình yên. Cánh chim ấy chỉ xao động khi
nó thấy một bóng hồng không biết của kỷ niệm hay hiện thực: “Đập cánh mơ
màng trong thảng thốt/ Bay tìm bầu bạn chốn mông lung/ Sương sa áo mỏng
mai về muộn/ Đã cuối thu rồi em biết không?” VQ – Đã cuối thu rồi). “Đã
cuối thu rồi em biết không”? W. Goethe bảo rằng: “Người đẹp là kiệt
tác cuối cùng của Thượng đế”.Quả là không ngoa chút nào. Không có người
nghệ sĩ nào sáng tao mà thiếu “Em” được. Nghệ thuật mà thiếu em thì có
khác nào một bụi hồng chỉ trơ cành và gai mà không có hoa; Bởi không có
em thì không có tình yêu. Họ yêu rất “nặng” hơn bình thường và họ bất
hạnh cũng “độc” hơn bình thường vì trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ rất
dễ bị “nhiễm” những thứ ấy. Hãy nghe VQ chia sẻ với Trịnh Công Sơn:
“Những người rút ruột tơ lòng/ Thường như một cõi long đong hồng trần/
Thường như tuyệt diệu ái ân/ Thường như cuồn cuộn thanh ngân sóng tình.”
(VQ – Khóc Trịnh Công Sơn)…
Thơ VQ là thế. Muốn hiểu anh thì
phải đọc anh chứ khúc tựa nầy tôi chỉ bạt qua nội dung đơn giản. VQ đã
âm thầm đặt lên thi đàn những dòng thơ từ tiềm thức và tâm linh của anh.
Qua hai thi phẩm. Rõ ràng VQ rất có duyên nợ với thi ca.
Xin trân trọng giới thiệu
HUYỀN MAI HUYỀN
Mạnh Đông Ất Mùi
Tháng 11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét