Vũ Quang với tiếng lòng lục bát
Charles Du Bos nói: “Văn học
đó là tư tưởng đi vào cái đẹp trong sáng”. Tất nhiên là thế; vì nếu
không trong sáng thì sao gọi là văn học? Vũ Quang (VQ) đi vào văn học
qua một lối đầy cỏ hoa, trừu tượng đó là “thi ca”. Anh viết nhiều thể
loại thơ. Nhưng ở đây chúng ta thử đi vào một thể loại thơ truyền thống
mà anh thường sử dụng: Thơ lục bát.
Sinh ra và lớn lên nơi quê hương cửa biển Mỹ Á sóng trào, gió lộng:
“Muôn đời biển một màu xanh/ Vàng hanh nắng quái bên gành chiều hôm”
(VQ – Mỹ Á) với cuộc sống dân dã bình thường: “Bát cơm xáo củ năm nào/
Con xin dâng mẹ gởi vào hư vô”
Và:”Con nghe nghẹn tiếng chuông chùa/
Mỗi khi mây trắng giao mùa mẹ ơi.” (VQ – Mỗi khi mây trắng giao mùa).
Cái gốc của VQ chính là “tình”, một thứ tình chân chất quê hương, mặn
mòi lục bát như chén mắm, niêu cơm thuở nào hàn vi, thơ dại. Cho dù hôm
nay anh đã có thể gọi là vinh hiển, thành danh. VQ vẫn không rời cái
“căn nguyên” rất tình ấy: “Rộn ràng hè sắp về đây/ Trong tôi mộng tưởng
cái ngày thật xa”. Để rồi: “Ngập ngừng lén gởi bài thơ/ Ngây ngô đổ tội
ông Tơ mách lời.” Đó chỉ là vọng tưởng thôi vì nó đã thành ảo ảnh. Bởi:
“Nhưng không. Tất cả xa rồi/ Chỉ là hư ảnh ai ngồi nơi xưa?” (VQ – Ảo
ảnh). Thật tha thiết. Thật tội nghiệp cho trái tim thi sĩ đa tình. VQ u
hoài gọi réo: “Ới nàng dáng đỏ, dáng xanh/ Em xinh đẹp quá. Lòng anh rộn
ràng/ Xuân chờ ai nữa chưa sang?/ Để anh đứng ở bên đàng đợi mong.” (VQ
– Không đề). Trái tim thi sĩ có khác: Đầy cảm xúc và luôn thiện mỹ đi
tìm cái đẹp và nhất là “người đẹp”. Anh tiếc nuối: “Mai về em có còn
ngoan/ Còn yêu như thuở trăng vàng lối xưa/ Chiều nay gió lạnh sang mùa/
Anh nghe rượu đắng cũng vừa lên men”. Đến đây bỗng ta nhớ đến cái ngậm
ngùi …em trong thơ Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng , gió
nội bay đi ít nhiều…” Bởi hình như khi ai “ra đi” chí ít cũng để cho
người ở lại nỗi niềm tuyệt vọng; VQ than thở: “Người đi rớt một lời yêu/
Tôi vừa nhặt giữa liêu xiêu bãi sầu!” (VQ – Đò ngang). Tôi cũng làm thi
sĩ, tôi cũng đa tình, tôi cũng khổ đau tuyệt vọng. Nên tôi thấm thía
cái ai kia “rớt một lời yêu” và cũng thấm thía luôn cái ai kia “nhặt
giữa liêu xiêu bãi sầu”. Chất lục bát của VQ nó tự nhiên đến kỳ lạ. Lâm
ly nhưng không ảo não, thắm tình nhưng không bi lụy. Hồn nhiên như viên
bi u lăn trong sân quê thời nhỏ dại chăn trâu.
Lục bát là thể thơ mà
theo giáo sư Vân Bình Tôn thất Lương thì nó là thể “cổ nhạc phủ” của
tàu được thuần Việt để trở thành thể thơ truyền thống Việt Nam mà từ xa
xưa ông bà ta thường sáng tạo ca dao: “Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt
em liếc như là dao cau”. Hay: Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc
áo trên cành hoa sen…” (Nguyễn tấn Long. Phan Canh – Việt nam thi ca
bình dân) Tất nhiên... đỉnh của lục bát Việt không ai khác ngoài Kiều
của Nguyễn Du: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ hoa ghen thua thắm, liễu hờn
kém xanh…” Dẫu biết rằng đây là câu Nguyễn Du mượn ý từ câu Đường thi:
“Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc”; nhưng lục bát như truyện Kiều thì
quả là thần bút rồi.
Giờ chúng ta hãy trở lại lục bát của VQ để khám
phá tiếp những tiếng lòng của chàng thi sĩ điềm đạm, chân quê nầy: “Xin
quay về tuổi hai mươi/ Để ru em với những lời gió trăng/ Để nương theo
bóng chị Hằng/ Nụ hôn trong gió nhọc nhằn trao em.” Ôi. Nụ hôn mà “nhọc
nhằn” trao là đủ thấy tình yêu đâu phải dễ dàng gì kiếm được? Xin hãy
thông cảm với VQ và xin hãy nâng niu tình yêu đừng để phải “nhọc nhằn”
thì thê thiết lắm! Hãy nghe VQ than thở: “Em đau như phím tơ chùng/ Đàn
buông nốt nhạc ngập ngừng kém vui/ không gian vắng tiếng em cười/ nhành
lan trước gió cũng lười đong đưa” (VQ – Vợ ốm; Quả là VQ có con mắt quá
tinh tường mới vừa nhìn vợ ốm vừa nhìn cành lan trước gió mà so sánh “ác
liệt” nhưng ung dung đến vậy.
Lục bát của VQ còn dài và còn nhiều.
Anh đang sung sức sáng tác và sáng tác nhẹ nhàng như cành lan kia lắc
lay hay im ắng là còn tùy “gió” nữa. Vậy nên kết luận về lục bát của VQ
là quá sớm và quá vội vàng. Cái gì không bay lên được thì phải rớt
xuống đúng quy luật của luật hấp dẫn. VQ đang bay trong thi ca và bay
trong lục bát với phong thái riêng của anh.
Chợt nhớ Cypran Norwir dặn: “Thế giới nầy rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ; chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái.”
Vậy chúng ta hãy cùng thưởng thức bữa tiệc thơ của VQ và…hãy đợi đấy.
HUYỀN MAI HUYỀN
Qúy đông Ất Mùi - 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét