THAY LỜI TỰA
“GIÂY PHÚT BẤT NGỜ” VỚI
ĐOÀN CÔNG TIẾN
Ai cũng có cảm xúc bởi họ là con
người. và mỗi con người có quyền thể hiện cảm xúc của mình bằng một cách nào đó
tùy họ muốn. Đoàn Công Tiến (ĐCT) - còn có bút hiệu là Linh Thi - Đã chọn cho
mình cách thể hiện cảm xúc bằng…THƠ.
“Anh muốn mình là những
giọt mưa
Rớt trên đôi vai người
tình bé nhỏ”
Hoặc:
“Anh muốn mình núp sau
ngọn gió
Nhìn tóc em bay trong
nắng lưa thưa”
(ĐCT – Có phút giây bất
ngờ)
Tôi không nghĩ ĐCT làm thơ để “mặc
định” mình là nhà thơ, nhưng chắc chắn rằng ĐCT
chơi thơ để thể hiện cảm xúc của riêng mình, hình như điều đó đúng khi
tôi đọc tập bản thảo "Có những phút giây bất ngờ" của ông. Tập bản thảo hé lộ cho ta thấy ĐCT hiền và
chân chất. Ông yêu và ý thức muôn đời rằng kiếp người chỉ là phù sinh chứ không
hề trường cữu nên tình yêu cũng vậy thôi:
“Làm người ở trọ trần
gian
Nên trăm năm cuộc phong
trần nợ duyên”
Để rồi ông chợt giật mình
tự hỏi:
“Ta người ở trọ trên đời
Mai sau ai sẽ về trời cùng ta?”
Mai sau ai sẽ về trời cùng ta?”
(ĐCT - Ở trọ trần gian)
Thơ ĐCT chưa phải đã đạt
đến “tầng” của thượng thanh khí. Nhưng ông chọn thơ vì ông yêu “nàng thơ”. Nàng
thơ của ông lúc ẩn, lúc hiện trong suốt từ đầu đến cuối, thèn thẹn, rụt rè và
trong trắng dễ thương:
“Em hãy uống với ta
một ly rượu
Một lần nầy đâu có được
lần hai
Chút men tình trong má đỏ
hây hây
Rượu say em, anh say tình
mộng mị.”
(ĐCT – Men tình trong ly
rượu)
Thời nhà Đường của Trung Hoa xưa Thi sĩ Trần Tử Ngang đã dám đem cây đàn gia bảo của mình ra chợ rao bán
để…hát thơ mình cho khách nhớ. khi khách đã nhiều người thuộc thơ ông rồi thì
ông ta đập cây đàn và cười khà :Vì mục đích của ông là muốn ‘khẩu truyền’ cho
hậu thế thơ của mình chứ có phải vì bán đàn đâu? Thế đủ biết cái “khoái” của
thi ca cao đến mức nào? Nhưng ngày nay thì khác xưa chúng ta có thừa điều kiện
để…thơ hơn. ĐCT đã cho ra đời thi phẩm “Nước mắt hồng” (Năm 2000), Thơ Đoàn Công Tiến (nxb Đà Nẵng 2010), “Bỗng
Dưng” (nxb Văn Học 2011), “Sóng của sông” (nxb Văn Học 2013…chứng tỏ rằng ĐCT
có sức viết đầy phấn chấn và đam mê lắm lắm.
Nhưng cũng có lúc ĐCT thở
dài vì thơ. Ông kể:
“Tôi mang thơ để tặng
người
Chậm nên không gặp về rơi
mất rồi!"
Hóa ra ĐCT đem thơ đi để
tặng… "nàng thơ” mà ông yêu quí. Nhưng không hiểu có “trục trặc” gì để nàng
không nhận được đây?:
“Dẫu rằng thơ ở nơi đâu
Lời thơ tôi vẫn dạt dào
yêu em”
(ĐCT – Thơ rơi)
DaLaiLaMa nói “Đừng để cho cách cư xử của người khác
phá hủy sự bình yên trong tâm mình” và có lẽ ĐCT thấm nhuần cái chân lý nầy nên
thơ ông bình dị, ung dung:
“Sướng, vui, trong, đục, sáng,
mờ
Hồn ta bay bổng trong mơ
đất trời
Biết rằng cũng với đất
thôi
Mấy câu thơ cũ để đời đọc
vui”
(ĐCT – Suy ngẫm)
Thì ra là thế. ĐCT làm
thơ chỉ“để đời đọc vui” và để cho chính ông thỏa mãn giải bày tâm sự thôi. Đề
tài thơ ĐCT đa dạng: Nhưng có lẽ thơ tình là “chủ thể”. Ngôn ngữ thư thái thật thà; chân phương một lối thơ
truyền thống dễ cảm, dễ hiểu. Không bóng bẩy, không kiêu kỳ mà điềm đạm…hay
đúng hơn là “hiền hậu”.
“Ngày mai nếu em lấy
chồng
Có thằng khờ khóc bên
sông hận đời”
Hay:
“Ngày mai em bước sang
ngang
Có thằng ra đứng bên đàng
bủn say”
(ĐCT – Nếu ngày mai)
Thật tội nghiệp. Chỉ vì:
“Vô tình
Ánh mắt chạm nhau
Mà sao
Ta đã nhớ bao tháng ngày”
(ĐCT – Chạm)
Cái tình trong thơ ĐCT có
lúc còn rụt rè thơ ngây quá. Tôi đoán trong trái tim ông hiện hữu còn nhiều
bâng khuâng với tình yêu. ĐCT đa tình trong thơ; Nhưng có khi cũng thất vọng cay đắng ngậm
ngùi:
“Tình là trái mộng vỡ tan
Liêu xiêu một mảnh trăng
tàn đã qua.
Cuộc tình chìm nổi phong
ba
Người đi để hết buồn qua
bên nầy”
(ĐCT – Làm sao)
Đoạn thơ trên như tiếng
thở dài não nuột. Ôi. Tình yêu! Có lẽ sau lưng tình yêu nào rồi cũng là một dấu than dài. Tình yêu làm ta
hưng phấn tột cùng nếu không dang dở; Nhưng tình yêu cũng làm ta tê điếng tuyệt
vọng khi nó dở dang. Muôn đời tình yêu luôn tồn tại trong trái tim hồng nhân
loại mà không ai đủ can đảm chối bỏ. ĐCT càng không thể chối bỏ vì ông là thi
sĩ; Không ai yêu bằng thi sĩ mà cũng không ai khổ đau dai dẳng bằng thi sĩ .
Bởi thế mới…còn THƠ:
“Em về giấc ngủ có ngon?
Sợ chăn không đủ ấm lòng
người yêu
Đầu xuân gió lạnh hiu
Mưa xuân tí tách lạnh
nhiều không em?”
Tha thiết đến thế là
cùng, lo lắng đến thế là cùng. Nhưng hỡi ôi! Nàng có phải là của ông đâu? Không
bao giờ là của ông cả vì:
“Ngày sau vui bước bên
chồng
Trầu duyên thắm đỏ, rượu
nồng em quên”
(ĐCT – Em quên)
Và thế là thôi rồi! Nhức
nhối con tim, buốt giá linh hồn, lạnh ngắt vòng tay…
Một ĐCT…hiền là thế mà
không khỏi ngắc ngoải với tình đủ biết
dấu than dài sau lưng tình yêu là vô tận.
Tôi theo dấu chân ĐCT từ đầu đến
cuối. Dù có tài hoa cỡ nào cũng không thể diễn đạt hết núi nhớ, rừng thương hay
bao quát hết cuộc đời ; Huống chi những câu chữ kia nó là hữu hạn? Tự nhiên
thấy đồng cảm với hai câu thơ nầy của tác giả: “Biết rằng cũng với đất thôi/
Mấy câu thơ cũ để đời đọc vui”. Ôi. “có phút giây bất ngờ” là thế. Chính cái
bất ngờ làm ta xốn xang. Tạm biệt ĐCT.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Huyền
Mai Huyền
Trọng Hạ Giáp Ngọ/ 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét